2/4 gói thầu chính nhằm hồi sinh các “dòng sông chết” ở Hà Nội vẫn vướng

2/4 gói thầu chính nhằm hồi sinh các "dòng sông chết" ở Hà Nội vẫn vướng
2/4 gói thầu chính nhằm hồi sinh các "dòng sông chết" ở Hà Nội vẫn vướng

Hiện nay, tiến độ 2/4 gói thầu chính thuộc dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá nhằm hồi sinh các dòng sông ô nhiễm tại Hà Nội còn gặp một số vướng mắc, làm ảnh hưởng chung đến toàn dự án.

Hiện trạng 4 gói thầu chính hồi sinh các dòng sông chết

Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải Yên Xá được đánh giá là rất quan trọng trong việc xử lý nước thải, hồi sinh cho các dòng sông “chết” của Hà Nội.

Dự án có 4 gói thầu chính: Gói thầu số 1: Xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá; Gói thầu số 2: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính; Gói thầu số 3: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ; Gói thầu số 4: Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới.

Theo ghi nhận của Lao Động, tại gói thầu số 1 (huyện Thanh Trì) do nhà thầu Công ty JFE-TSK (Nhật Bản) thực hiện đã hoàn thành gần như toàn bộ khối lượng công việc với các hạng mục đường giao thông nội bộ và trạm quan trắc, chạy thử nghiệm các thiết bị để làm cơ sở vận hành thử. Hiện công nhân tiến hành hoàn thiện các hạng mục cây xanh trang trí.

Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính do nhà thầu Công ty Tekken Corporation (Nhật Bản) thi công đã về đích sớm hơn mục tiêu đề ra (tháng 3.2025), dự kiến vận hành thử vào cuối năm nay.

Bài viết liên quan  Chủ quán trà đá Sơn Tùng M-TP ngồi uống bức xúc, tiết lộ nguồn cơn khiến quán bị dẹp

Thiết kế, hệ thống cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch với điểm đầu tại nút giao đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối là đoạn giao với sông Lừ. Ở giữa tuyến có một đường ống nối, dẫn nước về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá.

Theo đại diện nhà thầu, gói thầu số 2 thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm, các đường ống có đường kính từ 600 – 2.200mm, hệ thống cống ngầm nằm ở độ sâu 6-19m bên dưới dòng chảy của sông Tô Lịch.

Tại gói thầu số 3 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ được kỳ vọng sẽ giải cứu cho con sông ô nhiễm này, dự kiến gom nước thải cho 3 quận Hoàng Mai, Đống Đa và Thanh Xuân với tổng chiều dài khoảng 7.662m và 34 giếng. Tuy nhiên, dự án vẫn dang dở, gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường và chưa có dấu hiệu thi công trở lại.

Hệ thống hạ tầng của gói thầu số 4 nằm dọc các tuyến phố Vũ Trọng Khánh, Trần Phú và đường 70 thuộc địa bàn quận Hà Đông. Trong đó, hạ tầng trên phố Vũ Trọng Khánh đã thi công từ năm 2022, nhà thầu đang huy động nhiều công nhân triển khai hạng mục thi công dự án…

Ông Nguyễn Trường Lâm – Giám đốc phụ trách gói thầu số 4 – cho biết, gói thầu xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới có tổng chiều dài 11.160m, trong đó hơn 4.300m thi công bằng phương pháp đào mở và gần 6.800m thi công bằng phương pháp khoan kích ngầm với 71 giếng và 2km kênh xả. Đơn vị này cam kết với chủ đầu tư từ nay đến cuối năm 2024 hoàn thành khoảng 40-45% khối lượng gói thầu, đến tháng 10.2025, hoàn thành 100% gói thầu, vượt 2 tháng so với giấy phép gia hạn của thành phố.

Bài viết liên quan  Cắm tăm bông vào lọ dầu gió, đặt ở đâu cũng có lợi đủ đường
Gói thầu số 2 xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính sẵn sàng chạy thử ngày 1.12. Ảnh: Tùng Giang

Nhà máy xử lý nước thải vận hành thử vào 1.12

Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp TP Hà Nội Chu Mạnh Tuấn cho biết, Dự án nhà máy xử lý nước thải công suất 270.000m3/ngày đêm; Hệ thống cống thu gom, cống bao và hệ thống đấu nối (dọc hai bên sông Tô Lịch và sông Lừ), khu vực đô thị mới Hà Đông với tổng chiều dài khoảng 52,62km. Gói thầu số 1, 2 cơ bản đã hoàn thành và sẽ đưa vào vận hành thử ngày 1.12 tới. Nhưng hai gói thầu còn lại còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Ông Chu Mạnh Tuấn lý giải, gói thầu số 3 đơn vị đã làm các thủ tục chấm dứt hợp đồng với nhà thầu thi công. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ. Còn gói thầu số 4, đơn vị đã ký phụ lục hợp đồng gia hạn từ tháng 11.2023 và nhà thầu đã thi công trở lại.

Khó khăn được chỉ ra là hiện nay chưa thống nhất được việc áp dụng chi phí quản lý và tiền lãi của nhà thầu. Theo hợp đồng FIDIC có quy định áp dụng chi phí quản lý và tiền lãi của nhà thầu đối với gói thầu số 1 là 12,32% và gói thầu số 2,4 là 15%. Song, chi phí này không có trong các quy định của Việt Nam, dẫn đến khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán.

Bài viết liên quan  Cặp đôi qua đời trong biệt thự du lịch: Người đàn ông gửi tin nhắn cho bạn trước khi mất

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông yêu cầu các đơn vị nhà thầu tập trung mọi nguồn lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu còn lại.

Khi nhà máy đưa vào vận hành thử sẽ phát sinh khoảng 200 tấn bùn thải/ngày, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị Sở Xây dựng có phương án bố trí điểm chứa phù hợp, đồng thời xây dựng đơn giá xử lý nước thải và tổ chức đấu thầu để nhà máy vận hành ổn định.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/24-goi-thau-chinh-nham-hoi-sinh-cac-dong-song-chet-o-ha-noi-van-vuong-1426866.ldo