Cửa hàng Maison Du Sac Hoàng Anh, Gabrielle Paris được coi là “thủ phủ” kinh doanh hàng hiệu giả với nhiều chiêu trò, mánh khóe kiếm lời tinh vi.
Lời tòa soạn: Để sở hữu một chiếc túi xách, bộ quần áo hay đồng hồ đến từ các thương hiệu lớn trên thế giới như Dior, Chanel, Rolex…, người tiêu dùng phải chi hàng trăm triệu đồng.
Thế nhưng, chỉ với vài triệu, phiên bản “hàng hiệu” giả đã xuất hiện, tinh vi đến mức khó phân biệt thật – giả. Sự dễ dãi của người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho thị trường hàng giả, hàng nhái, biến đây thành mảnh đất màu mỡ cho các “gian thương” trục lợi.
Đó là lý do Báo Lao Động khởi đăng tuyến bài: “Đế chế” kinh doanh hàng hiệu giả. Qua đó kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc điều tra, làm rõ những hành vi vi phạm, góp phần làm trong sạch, lành mạnh thị trường, bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, ngăn chặn tình trạng thất thu thuế.
Hàng giả làm tinh vi đến từng chi tiết
Trong vai khách hàng có nhu cầu mua túi hiệu Chanel làm quà tặng, phóng viên liên hệ với cửa hàng Maison Du Sac Hoàng Anh. Mặc dù quảng cáo là địa chỉ uy tín được giới mộ điệu hàng hiệu ưa chuộng, nhưng cửa hàng này lại không công khai địa chỉ trên mạng xã hội, thông tin đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp cũng mơ hồ.
Phải mất nhiều lần liên hệ mua hàng, sau khi chứng minh được mình chính là khách hàng có nhu cầu tìm mua túi hiệu tặng quà tết, phóng viên (PV) được chỉ dẫn đến store (cửa hàng) tại địa chỉ BTT 6 – 5 Khu biệt thự Him Lam Vạn Phúc.
Trước cửa tòa nhà đề biển “Maison Du Sachha – chuyên spa, sửa chữa đồ hiệu”, nhưng bên trong lại là “thế giới ngầm” buôn bán túi xách “hàng hiệu” giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ các thương hiệu đã được bảo hộ ở Việt Nam.
Tiếp chúng tôi là một thanh niên gần 30 tuổi, giới thiệu là quản lý cửa hàng. Sau khi xác nhận chúng tôi là khách đã liên hệ qua Fanpage, nam nhân viên yêu cầu ngồi chờ tại tầng 1 sẽ có nhân viên xuống đón. Lối thang bộ dẫn lên tầng 2 – nơi trưng bày sản phẩm khóa kín, trong khi thang máy chỉ hoạt động khi quẹt thẻ từ.
Bước lên tầng 2, chúng tôi choáng ngợp trước không gian trưng bày hàng trăm túi xách được giới thiệu thuộc các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Prada, đồng hồ Rolex… Nam nhân viên khẳng định toàn bộ đều là hàng giả, hàng nhái, hàng Rep 1.1, không phải là hàng thật.
Khi chúng tôi hỏi, mua hàng này làm quà biếu, thì có biết đây là hàng giả, hàng rep.1.1 không? nam nhân viên khẳng định “nếu không phải dân sành thời trang, không thể biết đây là hàng giả, trừ khi mang sản phẩm này đi check, kiểm định mới biết được”.
Nam nhân viên tư vấn, để đỡ bị nghi ngờ, nên mua những sản phẩm vừa tiền, giá hàng thật dao động từ 100 – 200 triệu, giá hàng giả từ 7-15 triệu đồng.
“Tất cả sản phẩm của tụi em đều là hàng handmade, được gia công tại Hồng Kông (Trung Quốc). Giá tại cửa hàng này chỉ bằng 1/10 giá hàng thật. Như túi Hermes, hàng thật bán hơn 200 triệu, tại đây chúng em chỉ bán với giá 20-25 triệu; túi Chanel giá 130 triệu, hàng gia công chúng em chỉ 8,5 triệu”, nam nhân viên bán hàng khẳng định.
Theo quảng cáo của quản lý cửa hàng Maison Du Sac Hoàng Anh, vì làm giả tinh vi đến từng chi tiết, cho nên cửa hàng này là địa chỉ thân quen của nhiều người nổi tiếng. “Hầu hết những người nổi tiếng đều dùng sản phẩm từ bên em, họ mua hàng ở đây về trộn lẫn với hàng thật, để dùng hàng ngày”.
Cam kết đi vào cửa hàng chính hãng, đi máy bay, ra nước ngoài không bị phát hiện
Mánh khóe tương tự cũng được sử dụng tại cửa hàng có tên Gabrielle Paris, địa chỉ 88 Trần Quang Diệu (Đống Đa, Hà Nội). Tuy nhiên, khác với cửa hàng Maison Du Sac Hoàng Anh, cửa hàng này, giới thiệu toàn bộ sản phẩm bán tại showroom là hàng VIP Pháp – được quảng cáo là dòng sản phẩm giả mạo, nhưng cao cấp nhất trên thị trường.
Nữ nhân viên ở đây cho hay, dòng da để làm những sản phẩm này là dòng da nhập khẩu chất lượng châu Âu, chuyên làm cho hãng. Với dòng túi VIP Pháp, có đặt cạnh sản phẩm chính hãng trong store (cửa hàng), không thể biết được, kể cả nhân viên làm trong store cũng không thể phát hiện được, trừ khi mang đi check code từ công ty.
“Những sản phẩm này nhập trực tiếp từ Pháp về nên đắt hơn, không phải hàng Rep 1.1 nhập từ Hồng Kông (Trung Quốc). Hàng này được thợ Pháp gia công lại. Với sản phẩm này, em khẳng định đi máy bay, ra nước ngoài, thậm chí vào store chính hãng thoải mái.
Bên em cam kết nếu sử dụng túi này bị phát hiện, bên em sẽ đền bù bằng cách tặng 1 chiếc túi giống như vậy, thậm chí tặng thêm một túi khác”, nữ nhân viên cửa hàng Gabrielle Paris nói.
Ngay thời điểm phóng viên có mặt tại cửa hàng, nhân viên Gabrielle Paris cho biết, chuẩn bị nhận một sản phẩm về cửa hàng. Sản phẩm là 1 chiếc túi thương hiệu Chanel dòng trendy, được quảng cáo là hàng VIP Pháp, mang từ Pháp về.
Tuy nhiên, ngoài hộp của sản phẩm ghi rõ, sản phẩm được giao từ Công ty TNHH năng lượng Thiên Mã, có địa chỉ tại Lô B17/BT3, KĐT Đam San, xã Phú Xuân, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
“Sản phẩm này đang bán với giá hơn 20 triệu đồng. Hàng này đi đường hàng không về, con này siêu xịn bên em, về một vài hôm là có khách nhấc ngay”, nữ nhân viên cho hay.
Có thể nói, với những chiêu trò làm giả, nhái các sản phẩm chính hãng tinh vi và nguồn lợi thu về từ việc kinh doanh túi hàng hiệu, tiếp tục tìm hiểu về thị trường kinh doanh của các sản phẩm này, nhiều chiêu trò của gian thương được phóng viên ghi nhận.
Sản xuất, buôn bán hàng giả có thể bị xử lý hình sự
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Báo Lao Động, TS. Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) – cho hay, hàng hóa lưu thông trên thị trường phải có hóa đơn, chứng từ hợp lệ để chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Việc sản xuất hàng hóa, nhưng gắn nhãn mác các thương hiệu khác được coi là hành vi sản xuất hàng giả.
“Hàng giả có thể giả về nhãn hiệu, nguồn gốc xuất xứ, công dụng, hoặc tác dụng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật”, TS. Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, đồng thời cho biết, tùy vào tính chất và mức độ của hành vi vi phạm, cũng như giá trị của hàng hóa, người sản xuất hoặc buôn bán hàng giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự.
Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường, nếu cơ quan chức năng vào cuộc và xác định được đó là hàng giả, trong trường hợp giá trị hàng giả từ 30 triệu đồng trở lên so với hàng thật, người thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (cá nhân hoặc pháp nhân) có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự.
Mức chế tài thấp nhất là phạt 100 triệu đồng, cao nhất lên đến 9 tỉ đồng; đối với cá nhân, mức phạt thấp nhất là 1 năm tù và cao nhất lên tới 15 năm tù.
“Những hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả không chỉ tác động tiêu cực đến thị trường mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị làm ăn chân chính với các tổ chức gian dối.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhà sản xuất khi sản phẩm của họ bị làm nhái, đồng thời gây ra sự bất bình đẳng trong xã hội. Do đó, dưới góc độ quản lý Nhà nước, cần tăng cường các biện pháp quản lý, áp dụng nghiêm các chế tài hành chính và hình sự, đảm bảo một thị trường lành mạnh, công bằng và an toàn”, ông Cường nói.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/the-gioi-ngam-ben-trong-de-che-kinh-doanh-hang-hieu-gia-1439357.ldo