Đắk Lắk – Người dân ở địa bàn tỉnh Đắk Lắk sẽ được cửa hàng hoàn tiền nếu mua phải giá đỗ ngâm hoạt chất cấm.
Sáng 29.12, nguồn tin Báo Lao Động xác nhận, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk báo cáo vụ việc ngâm giá đỗ trong hoạt chất độc hại. Báo cáo phải gửi về trước ngày 30.12.
Mới đây, cơ quan công an phát hiện có 6 cơ sở kinh doanh ở địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất bị cấm. Trung bình mỗi ngày các cơ sở sản xuất từ 8 đến 10 tấn giá đỗ.
Riêng có 1 cơ sở sản xuất còn ký hợp đồng bán cho 1 siêu thị trên địa bàn từ 350 – 400kg giá đỗ/ngày. Trong đó, có chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh ở tỉnh Đắk Lắk.
Theo ông Đỗ Tuấn Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tỉnh Đắk Lắk thông tin, có 6 cơ sở sản xuất giá đỗ bị công an phát hiện xử lý.
Trong đó, chỉ có Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (gọi tắt Công ty Lâm Đạo) được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Số còn lại vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Giấy chứng nhận được cấp cho Công ty Lâm Đạo (xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) vào ngày 22.4 và có giá trị đến 22.4.2027. Đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm (sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh – PV).
Liên quan đến sự việc này, hệ thống Bách Hóa Xanh đã phát đi thông báo cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua sản phẩm giá đỗ thương hiệu Lâm Đạo. Động thái này được áp dụng cho các cửa hàng của hệ thống đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Để nhận lại tiền, khách hàng chỉ cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh có ghi nhận việc mua giá đỗ của Công ty Lâm Đạo. Ngoài hoàn tiền, khách hàng cũng có thể đổi sang sản phẩm khác nếu muốn.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk thông tin, đơn vị đã yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Đắk Lắk phải báo cáo cụ thể vụ việc nghiêm trọng này bằng văn bản.
Thực tế, việc quản lý, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (trong đó có giá đỗ – PV) còn nhiều lỗ hổng. Do đó, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, nhằm đánh giá, xem xét lại cơ chế quản lý, quy định pháp luật trong việc kiểm tra, giám sát lĩnh vực trên.
Như Báo Lao Động đã thông tin, lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.
Trong đó, có 2 cơ sở của đối tượng Lâm Văn Đạo (SN 1990), trú xã Ea Tu; 2 cơ sở của đối tượng Vũ Duy Tư (SN 1991); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988) cùng ở phường Tân Hòa.
Qua kiểm tra, các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu. Riêng loại chất lỏng không màu thường được các đối tượng gọi là nước “kẹo”.
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk, nước “kẹo” là hoạt chất 6-Benzylaminopurine. Hoạt chất này không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/hoan-tien-cho-khach-hang-neu-mua-gia-do-ngam-hoat-chat-cam-1442304.ldo