Xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 không còn phù hợp

Xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 không còn phù hợp
Xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 không còn phù hợp

Chuyên gia cho rằng, việc xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đã không còn phù hợp với tình hình mức sinh thấp hiện nay.

Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) dự báo Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049.

Theo Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) Lê Thanh Dũng, công tác dân số còn nhiều khó khăn thách thức như: Trong 3 năm liên tiếp, mức sinh trên toàn quốc giảm dưới mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ con, ước tính năm 2024 giảm còn 1,91 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất trong lịch sử và dự báo xu hướng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Theo các chuyên gia và nhà quản lý y tế, Việt Nam hiện đang đối mặt với thách thức già hóa dân số nhanh chóng. Tỉ lệ sinh đã giảm xuống mức thấp hơn mức thay thế, gây áp lực lớn đến hệ thống lao động và an sinh xã hội trong tương lai.

Do đó, việc bãi bỏ các quy định cấm hoặc xử lý kỷ luật sinh con thứ 3 nhằm tạo động lực khuyến khích người dân tăng tỉ lệ sinh, đặc biệt trong các khu vực có tỉ lệ sinh thấp.

Chia sẻ với Lao Động, GS.TS Nguyễn Đình Cử – nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) – cho biết: Đảng và Nhà nước rất quan tâm vấn đề dân số, ngay từ năm 1961 đã ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn (tức là kế hoạch hóa gia đình).

Bài viết liên quan  “Có tình trạng học sinh không muốn nhưng phải học thêm thầy cô ở trường”

Quyết định này đưa Việt Nam trở thành một trong những nước tiên phong trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình và phải tới năm 2006, chúng ta mới đạt được mức sinh thay thế; tức là mỗi cặp vợ chồng bình quân có 2,1 con.

“Điều này cho thấy là chúng ta đã ngăn chặn thành công bùng nổ dân số” – GS.TS Nguyễn Đình Cử nhận định.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng đưa ra nhận định, chúng ta chỉ có 4 năm là duy trì được mức sinh thay thế, còn lại 14 năm là dưới mức sinh thay thế.

“Hiện nay, chúng ta vẫn duy trì Pháp lệnh Dân số năm 2008 – quy định mỗi cặp vợ chồng có quyền và nghĩa vụ sinh một hoặc 2 con. Việc chúng ta vẫn xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 trở lên, tôi cho rằng những quy định này hiện nay không còn thích hợp với tình hình mức sinh đã thấp, giảm thấp trong nhiều năm qua” – ông Nguyễn Đình Cử đánh giá.

Đồng quan điểm, TS. Lưu Hồng Minh – nguyên Trưởng khoa Xã hội học và Phát triển (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) – cho rằng, với tình hình thực tế hiện nay, 1 người lao động trẻ đang phải gánh 2 người già, thậm chí là 2 người già và 1 trẻ nhỏ. Do đó, việc sớm nghiên cứu, tổng kết, đánh giá và sửa đổi các chính sách liên quan tới dân số để phù hợp với tình hình phát triển của đất nước.

Bài viết liên quan  Gia đình Gerard Williams cho biết vụ kiện Đàm Vĩnh Hưng sẽ bằng pháp lý, không nhận 2 USD nữa

Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, tạo lập lực lượng lao động trong tương lai ở độ tuổi vàng. Nếu không, Việt Nam có thể trở thành một quốc gia già hóa dân số trong tương lai gần.

“Rõ ràng chúng ta cần phải tính đến yếu tố cơ cấu dân số biến đổi nhanh chóng để thích ứng phù hợp” – TS Minh nói.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV vừa qua, Chính phủ cho biết sẽ tập trung chỉ đạo khẩn trương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số; rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân số.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/thoi-su/xu-ly-ky-luat-dang-vien-sinh-con-thu-3-khong-con-phu-hop-1443961.ldo