Chỉ trong ngày 1.1.2025, cơ quan chức năng đã phạt hơn 13.000 lái xe vi phạm giao thông với số tiền ước tính gần 28 tỉ đồng.
Ngày 1.1.2025, ngày đầu tiên Nghị định 168/2024 chính thức có hiệu lực, đã chứng kiến hơn 13.000 tài xế bị xử phạt vì vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Số tiền phạt ước tính lên đến gần 28 tỉ đồng là con số không chỉ gây chú ý mà còn gợi lên nhiều điều đáng suy ngẫm.
Mặc dù như nhận định của Bộ Công an, ý thức tham gia giao thông của người dân đã được cải thiện rất nhiều nhờ vào công tác tuyên truyền và sự tăng cường xử lý vi phạm của lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, con số tài xế vi phạm và số tiền phạt thu được chỉ trong 1 ngày như vừa nêu cho thấy, ý thức chấp hành luật giao thông vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại.
Và số tiền phạt gần 28 tỉ đồng không chỉ là sự “trừng phạt” tài chính, mà còn là một thước đo về mức độ lỏng lẻo trong ý thức chấp hành luật giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân.
Xét về mặt tích cực, gần 28 tỉ đồng là một con số lớn, có tính định lượng tổng thể, giúp người dân dễ hình dung hơn, thấy “đáng sợ” hơn về sự “trừng phạt” khi vi phạm giao thông.
Nhưng ở khía cạnh khác, số tiền này các cá nhân vi phạm hoàn toàn có thể “tiết kiệm” được nếu có ý thức tuân thủ luật giao thông.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đồng tiền làm ra ngày càng trở nên quý giá, thì việc cá nhân “đóng góp” hàng chục triệu đồng chỉ vì vi phạm giao thông là sự hoang phí không đáng có.
Chẳng hạn, theo quy định mới, hành vi vượt đèn đỏ của ôtô bị phạt từ 18 – 20 triệu đồng, thay vì 4 – 6 triệu đồng như trước đây.
Đây là khoản tiền phạt đủ để một gia đình bình thường có thể chuẩn bị Tết đủ đầy, thay vì bị mất vì sự bất cẩn hoặc cố tình vi phạm khi tham gia giao thông.
Vậy nên, giao thông văn minh không chỉ là trách nhiệm xã hội, mà còn là một cách để tiết kiệm chi phí, bảo vệ túi tiền của mỗi cá nhân và gia đình.
Các con số lớn về số người vi phạm giao thông, số tiền phạt trong ngày đầu năm không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh mà còn là bài học lớn về sự cần thiết của việc tuân thủ luật giao thông.
Đối với lực lượng chức năng, đây là cơ hội để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát một cách nghiêm minh để hướng đến xây dựng một nền văn hóa giao thông bền vững.
Đối với người tham gia giao thông, sự thay đổi ý thức, hành vi cần xuất phát từ nhận thức rằng, việc tuân thủ luật không chỉ bảo vệ sự an toàn của bản thân mà còn giảm thiểu những mất mát không đáng có về tiền bạc và sức khỏe.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/su-kien-binh-luan/gan-28-ti-dong-tien-phat-vi-pham-giao-thong-va-nhung-bai-hoc-1444066.ldo