Chủ mái ấm Hoa Hồng và bảo mẫu ở quận 12, TP.HCM vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM khởi tố bị can về tội hành hạ người khác.
Bà Giáp Thị Sông Hương (thứ ba từ trái sang) và bà Trang Mỹ Nhanh tại cơ quan công an – Ảnh: Công an cung cấp
Ngày 3-1, đại diện Công an TP.HCM cho biết trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án và bắt tạm giam hai bảo mẫu của mái ấm Hoa Hồng gồm Nguyễn Thị Ngọc và Diệp Ngọc Tuyền về tội hành hạ người khác.
Sau thời gian điều tra, củng cố chứng cứ, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Giáp Thị Sông Hương (51 tuổi, ngụ quận Gò Vấp – là chủ cơ sở mái ấm Hoa Hồng tại quận 12) và quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Trang Mỹ Nhanh (72 tuổi, ngụ quận 12 – bảo mẫu tại mái ấm Hoa Hồng) về tội hành hạ người khác.
Theo kết quả điều tra, không chỉ các bảo mẫu của mái ấm Hoa Hồng mà bà Hương và bà Nhanh cũng có những hành vi đe dọa, đối xử tàn ác, đánh mắng các cháu bé tại phòng 102, hành vi này lặp đi lặp lại nhiều lần.
Bảo mẫu Nhanh thường sử dụng cây lược, cây chổi, tay, chân, chiếc muỗng (loại sử dụng múc canh) đe dọa, đánh các cháu. Nhiều trường hợp bà Nhanh còn sử dụng dầu gió cho vào miệng của một số cháu bé.
Riêng bà Hương là chủ cơ sở, trực tiếp chứng kiến việc bảo mẫu Nhanh đánh các cháu nhưng không ngăn cản mà bản thân bà Hương cũng ra tay hành hạ, đánh đập các cháu. Bà này dùng bìa các tông, dùng cây lược, khay nhựa, chổi để đánh; dùng tay nắm áo, xách và kéo các cháu; ôm ném các cháu khi tắm, ngủ.
Tất cả hình ảnh đe dọa, hành hạ, đánh đập các cháu của hai bà này đều được camera ghi lại.
Ngoài ra, bà Hương còn vi phạm các quy định về tuyển dụng bảo mẫu chưa có chứng chỉ bảo mẫu; không phổ biến kiến thức về pháp luật trong việc nuôi giữ trẻ cho bảo mẫu; không đảm bảo số lượng bảo mẫu chăm sóc nuôi giữ trẻ theo quy định.
Bản thân bà Hương trước khi được cấp phép mở cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập mái ấm Hoa Hồng, bà này đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ chăm sóc trẻ và bổ sung kiến thức về việc không được đe dọa, đánh các cháu.
Hành vi đe dọa, đánh đập các cháu nhỏ trong mái ấm được lặp lại nhiều lần là hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng và trái pháp luật.
Hành vi bạo hành không chỉ gây tổn thương đến thể chất mà còn để lại hậu quả tâm lý lâu dài, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ.
Hiện lực lượng công an tiếp tục xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
(Theo Tuổi Trẻ)