Mới đây, một cô giáo tiểu học bị đề xuất kỷ luật vì dạy thêm cho học sinh lớp 1 tại nhà. Sự việc đã làm rấy lên nhiều tranh luận trên các diễn đàn mạng xã hội. Nhiều người đặt ra câu hỏi việc giáo viên dạy thêm tại nhà là đúng hay sai và những trường hợp nào thì được phép dạy thêm.
Thông tin này đã được báo chí chính thống đăng tải rồi, mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết dưới đây cho mọi người cùng biết nhé!
Cụ thể, là mới đây, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh có văn bản đề nghị điều chuyển giáo viên tiểu học đến địa bàn khó khăn hơn vì vi phạm quy định dạy thêm.
Trước đó, khoảng 19h ngày 4/12, người dân phản ánh về việc cô Nguyễn Thị Th. (giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) tổ chức dạy thêm trái quy định cho học sinh lớp 1 tại nhà riêng ở phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh).
Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Hà Tĩnh, ảnh: DSD
Ngày 15.12, bà Nguyễn Thị Nữ – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP Hà Tĩnh) – cho biết, nhà trường chưa họp hội đồng kỷ luật, chưa ban hành quyết định kỷ luật với cô Nguyễn Thị T.
Cô Nguyễn Thị T. là giáo viên Trường Tiểu học Trần Phú, có dạy kèm 9 học sinh lớp 1 tại nhà. Sự việc bị phát hiện và lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh đã yêu cầu cô T. viết tường trình.
Theo cô T. trình bày, 9 học sinh nói trên khả năng tiếp thu chậm nên bố mẹ các cháu đã nhờ cô dạy kèm thêm để nhanh tiến bộ.
Được biết, cô T. đã có quá trình 29 năm trong ngành giáo dục, từ trước đến nay không vi phạm các quy định của ngành, luôn được phụ huynh tin cậy.
Ngày 10.12.2024, bà Trần Thị Thủy Nga – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh ký văn bản số 548 báo cáo sự việc.
Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh đề nghị Hiệu trưởng trường Tiểu học Trần phú thành lập Hội đồng kỷ luật, tổ chức xem xét, có hình thức xử lý kỷ luật viên chức vi phạm theo đúng quy định; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu và các cá nhân liên quan đến hành vi vi phạm của giáo viên Nguyễn Thị T., báo cáo kết quả về UBND thành phố (qua Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Nội vụ).
Đồng thời, đề nghị UBND thành phố Hà Tĩnh điều chuyển cô T. về địa bàn khó khăn hơn và Phòng Giáo dục và Đào tạo có văn bản thông báo toàn ngành về việc giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Thông tin nói trên gây xôn xao dư luận. Có nhiều ý kiến phản ứng, cho rằng các biện pháp xử lý theo đề nghị của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hà Tĩnh là quá nặng nề, gây tổn thương cho giáo viên trong khi việc dạy thêm là phổ biến và xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh.
Liên quan đến sự việc này, nhiều độc giả bày tỏ thắc mắc theo quy định hiện hành, những trường hợp nào giáo viên được phép dạy thêm và liệu có được dạy thêm học sinh của mình chủ nhiệm trên lớp.
Hiện nay, quy định về dạy thêm và học thêm đang được thực hiện theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành. Theo đó, về nguyên tắc, đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
– Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau.
– Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
– Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Giáo viên trường công lập không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo thông tư mới về quy định dạy thêm, học thêm (khi thông qua và ban hành sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT). Tuy nhiên, đến thời điểm này, các quy định trên vẫn đang có hiệu lực.
Việc cho học sinh lớp 1 đi học thêm, đặc biệt là tại nhà cô giáo, đang trở thành vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm và tranh cãi. Dù có những lợi ích nhất định, nhưng cũng tồn tại không ít bất cập khiến việc này trở thành vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.
Lợi ích của việc học thêm nhà cô giáo
– Củng cố kiến thức: Với các em lớp 1, giai đoạn đầu tiếp xúc với môi trường học tập có thể khá bỡ ngỡ. Việc học thêm giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản như đọc, viết và tính toán.
– Tăng sự tự tin: Khi được cô giáo kèm thêm ngoài giờ học, học sinh có thể được giải đáp thắc mắc và rèn luyện kỹ năng học tập, từ đó giúp các em tự tin hơn trong lớp.
– Phụ huynh yên tâm: Nhiều phụ huynh không có đủ thời gian để dạy kèm con tại nhà nên việc học thêm sẽ giúp giảm bớt lo lắng về kết quả học tập.
Những bất cập cần lưu ý
– Tạo áp lực cho học sinh: Học sinh lớp 1 còn rất nhỏ, việc học thêm quá sớm có thể khiến các em bị căng thẳng, mất hứng thú học tập. Việc học tập nên cân bằng với vui chơi và phát triển tự nhiên.
– Dễ dẫn đến sự không công bằng: Việc học thêm tại nhà cô giáo có thể vô tình tạo ra sự thiên vị giữa học sinh đi học thêm và học sinh không đi học. Điều này dễ gây tâm lý bất bình và áp lực không đáng có trong lớp học.
-Tiêu cực trong giáo dục: Nhiều trường hợp học thêm bị biến tướng thành áp lực “ngầm” khiến phụ huynh phải cho con đi học vì lo sợ con mình bị bỏ lại phía sau hoặc không được quan tâm trong lớp.
Nguồn: https://www.webtretho.com/p/nhung-truong-hop-nao-giao-vien-duoc-phep-day-them