Bắt đầu hành trình “đạp gió” với nhiều nghi vấn, giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền dần chứng minh được tầm nhìn và năng lực qua từng tiết mục, từng công diễn.
Công diễn 5 lấy chủ đề “Mắt bão”, trong đó 6 tiết mục đã lên sóng trước ở Tập 12. Mỗi đội phải chọn 1 trong 2 bài để phối khí theo phong cách world music – nhạc mang âm hưởng của 1 quốc gia trên thế giới và bài còn lại mang màu sắc âm nhạc Việt Nam.
Giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền đặt ra đề bài khó nhằn cho các đội khi phải đưa các chất liệu âm nhạc truyền thống vào các ca khúc Pop hiện đại, đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và công phu, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa nhưng cũng gần gũi với khán giả trẻ.
Cẩm Ly nói lý do không tham gia “Chị đẹp”, đội Tóc Tiên có 2 suất chung kết
Tiết mục “Từ chối nhẹ nhàng thôi” của nhóm Tóc Tiên nhận được nhiều phản hồi tích cực trong đêm công diễn. Không gian âm nhạc được mở ra bằng tiếng đàn hạc của Dương Hoàng Yến song hành cùng tiếng đàn tranh, tạo sự hòa trộn giữa giữa chất dân gian Việt Nam và âm nhạc châu Âu. Điểm nhấn của bài hát là đoạn hát ả đào (ca trù) của Bùi Lan Hương được lấy từ ý thơ “Tự tình II” của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương vừa e thẹn, vừa dịu dàng nữ tính đậm chất phụ nữ Việt Nam. Đoạn drop cuối bài mang màu sắc future bass như xé toạc không gian tĩnh mịch của bài hát để tạo ra một cao trào kết thúc bùng nổ.
Tiết mục “Don’t You Go” phiên bản Chị đẹp lại mang đến màu sắc Folk, Country pha Rock, ngay tập tức đưa khán giả về miền viễn Tây. Phần giai điệu được biến tấu theo nhịp triplet đặc trưng của nhạc đồng quê cộng hưởng với khả năng xử lý bài rất Tây của Tuimi, Xuân Nghi và phần thể hiện hoang dại đậm chất Rock của Phương Thanh tạo nên một tiết mục “dát vàng lỗ tai”.
Video đang HOT
Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy, tiết mục “In The Dark” gây bất ngờ với màn chơi đàn bầu và đàn tranh rất ấn tượng của Thảo Trang và Ngọc Phước. Không gian âm nhạc xuyên suốt tĩnh mịch, ma mị trước khi bị xé toạc ra ở đoạn Drop giữa thể loại future bass với nhiều âm thanh điện tử & nhịp đảo bất ngờ. Nửa sau bài hát sáng sủa hơn với âm thanh dày dặn hơn, vocal bung lực và nốt cao của Hoàng Yến Chibi.
Tiết mục “Ngày không anh” làm mới bản slow-tempo R&B ấn tượng của Hoàng Thùy Linh cách đây hơn 10 năm với những âm thanh thời thượng và thú vị của thể loại UK Garage và Jersey Club. Âm nhạc Thái cổ truyền, ngôn ngữ Thái, cộng hưởng với visual và phần thể hiện những điệu múa đặc trưng như múa bóng, múa móng của 3 “chị đẹp” Minh Hằng, Phạm Quỳnh Anh, Dương Hoàng Yến đã mang đến cho khán giả một tiết mục giải trí “kịch trần”.
Kết hợp đờn ca tài tử và cải lương vào nhạc Pop chưa bao giờ là một đề bài dễ dàng, nhưng luôn hứa hẹn tạo ra những “phản ứng hoá học” thú vị như “Teen vọng cổ”, “Về nghe mẹ ru”. Tiết mục “Em không thể” cũng là một ví dụ tương tự, với những câu hò được cài cắm xuyên suốt cả bài hát, gợi mở không gian miền sông nước một cách tự nhiên. Đoạn vọng cổ do Phương Thanh và Ngọc Thanh Tâm thể hiện vang lên khiến khán giả kinh ngạc, tăng sự bất ngờ, hấp dẫn cho tiết mục. NSƯT Bạch Tuyết đích thân chỉ dẫn các nghệ sĩ thể hiện. X-part của “Em không thể” phiên bản cải lương được chắp bút bởi NSND Thanh Hải và NNƯT Trần Tám. Những nhạc cụ dân tộc như đàn sến, đàn tranh, đàn kìm trong các đoạn drop với giai điệu miền Tây cũng là một điểm sáng của tiết mục.
Đội Chị đẹp Mie lại khoác áo mới cho truyện cổ tích Nghìn Lẻ Một Đêm với ca khúc “Gone Gone Gone” được phối mới theo thể loại Bhangra (nhạc phi truyền thống của Ấn Độ) cùng Dubstep và Epic Bollywood. Những âm thanh truyền thống như tiếng khèn, tiếng sáo, kết hợp cùng những âm thanh hiện đại của nhạc điện tử đã tạo ra không gian lễ hội, kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, phục vụ tối đa cho phần dàn dựng hoành tráng.
Hứa Kim Tuyền chọn 6 sáng tác tiêu biểu của 6 nữ nhạc sĩ cho Chị đẹp đạp gió 2024 để khắc hoạ hình ảnh người phụ nữ hiện đại, hội nhập, dùng nhạc xưa để kể chuyện nay, phần nào gợi nhắc đến cách tiếp cận của Hoàng Thùy Linh trong album “Hoàng” (2019) và “LINK” (2022). Trên mạng xã hội, khán giả dành nhiều lời khen cho âm nhạc, khẳng định đây là công diễn quy tụ nhiều tiết mục sáng tạo, hoành tráng, bùng nổ nhất chương trình.
Bắt đầu hành trình “đạp gió” với nhiều nghi vấn, giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền dần chứng minh được tầm nhìn và năng lực qua từng tiết mục, từng công diễn. Từ khóa “Xin lỗi Hứa Kim Tuyền” – một cách nói vui của cư dân mạng để khen ngợi chất lượng âm nhạc cũng từng lọt Top thảo luận trong các tuần trước. Thời điểm ghi hình Công Diễn 5 cũng là thời điểm công chiếu những công diễn đầu tiên của chương trình. Hứa Kim Tuyền chia sẻ anh luôn cầu thị, lắng nghe những ý kiến đóng góp của khán giả để có những sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp.
Công diễn 2 Chị đẹp đạp gió 2024: Âm nhạc cải thiện nhưng đã đủ bứt phá?
Sau những phản hồi của khán giả về chất lượng âm nhạc và dàn dựng ở Công diễn 1, chất lượng Công diễn 2 của Chị đẹp đạp gió 2024 đã có sự cải thiện đáng kể.
Tuy vậy, giữa bối cảnh sự canh tranh gay gắt của các show truyền hình cuối năm, Chị đẹp đạp gió 2024 có kịp bứt phá để theo kịp sự kỳ vọng của khán giả?
Công diễn 2 của Chị đẹp đạp gió 2024 đã lên sóng vào tối thứ Bảy (30/11). 2 Liên minh Thu Phương – Mỹ Linh tiếp tục thành lập các đội hình để thi đấu đối kháng, tranh tài qua 4 vòng thi: Vocal – Show – Dance – Performance. Sau mỗi tiết mục, khán giả sẽ bình chọn cho phần trình diễn đó. Liên minh có tổng điểm Hoa Sóng thấp hơn sẽ có thành viên phải rời chương trình.
Tiết mục “Một thế giới = Hai găng tay”
Sau chương trình, tiết mục “Một thế giới = Hai găng tay” của đội Mỹ Linh, Thúy Hiền, Phương Thanh, Ngọc Ánh, Châu Tuyết Vân gây xúc động mạnh. Sáng tác mới của Hứa Kim Tuyền về tình thương và trách nhiệm của mẹ, qua đó truyền tải thông điệp mong muốn mọi người sẽ thương cha mẹ nhiều hơn. Có khán giả để lại bình luận đã “khóc lụt nhà” sau khi xem màn trình diễn.
Sân khấu Performance “Chân ái” của đội trưởng Tóc Tiên, Đồng Ánh Quỳnh, Vũ Ngọc Anh cũng là điểm sáng của công diễn 2. Bài thi lấy ý tưởng từ tục tảo hôn ở vùng cao, qua đó thể hiện ý chí vươn lên, bứt phá và khát khao đi tìm hạnh phúc của người phụ nữ. 3 chị đẹp phải “đạp gió” khi nhận đề bài chinh phục đu bay trên không và xiếc tre trong 9 ngày. Phần drop sôi động theo hướng nhạc House được dự đoán sẽ gây sốt trên TikTok.
Bùi Lan Hương và Ái Phương gây bất ngờ khi mang tới hình tượng những viên ngọc trai toả sáng trên sân khấu Vocal “May mắn”. Bài hát mang hơi hướng Jazz, Doo-Wops giúp Bùi Lan Hương phô diễn trọn vẹn kỹ thuật biểu diễn nhạc Jazz. Ái Phương thể hiện khả năng sáng tác với phần melody cực ngọt pha trộn giữa 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Ý.
Bản phối mới của “Chưa quên người yêu cũ” không có nhiều đột phá, nhưng thành công trong việc hòa quyện 2 giọng hát Thiều Bảo Trâm và Dương Hoàng Yến. Phần X-Part được chấp bút bởi ca – nhạc sĩ Vũ Cát Tường đang nhận được phản hồi tích cực của khán giả: “Cuối cùng em đã quên một cái tên từng ở bên/Vui buồn cũng đã qua, giờ cái tên thành xa lạ/Đoạn đường về sau em đã tìm thấy một trái tim dịu dàng bước đến/Cùng em viết lên một hạnh phúc mới”.
Tiết mục “Chưa quên người yêu cũ”
Bên cạnh những tiết mục bùng nổ, nhiều khán giả để lại nhiều bình luận tiếc nuối cho “Nhan sắc” của đội Minh Hằng và “September Flower” của đội Minh Tuyết. Đây là 2 sân khấu Dance – trình diễn vũ đạo trong Công diễn 2 nhưng phần thể hiện của các chị đẹp lại bị hạn chế bởi lựa chọn ca khúc và bản phối của chương trình. Ca khúc “Nhan sắc” là nhạc phim “Những cô gái chân dài” cách đây 20 năm, dường như giai điệu và lời hát đã không còn phù hợp với thời điểm hiện tại. Trong khi đó, việc thử thách nhảy Ballet trên một ca khúc EDM như “September Flower” có phần khiên cưỡng.
“Nhan sắc” của đội Minh Hằng
So với vòng solo và Công diễn 1, Công diễn 2 có sự cải thiện đáng kể về chất lượng tiết mục. Điều này đến từ việc khâu cắt dựng đã mượt mà hơn, các bản phối đã “nét” hơn ở phần Bass, cũng như các chị đẹp đã dần bắt nhịp với cuộc đua. Tính chất âm nhạc và năng lực của giám đốc âm nhạc Hứa Kim Tuyền cũng đã dần lộ rõ. Anh có thế mạnh về kho tàng sáng tác lớn, nhiều bài hit và đa dạng thể loại. Thẩm mỹ âm nhạc thiên về hướng tối giản, anti-drop, không sử dụng nhiều sound “dị” trong phối khí. Âm nhạc của Chị đẹp mùa 2 sẽ phù hợp để stream trên các nền tảng trực tuyến, nhưng cần cải thiện thêm về yếu tố hiệu ứng sân khấu trình diễn.
Chị đẹp đạp gió 2024 đã đi hết 1/3 chặng đường. Tuy không gây bão như mùa 1, show vẫn nhận được mức độ quan tâm và theo dõi ổn định của khán giả. Trước sự cạnh tranh của một loạt các show truyền hình cuối năm như Our Song, Bước nhảy hoàn vũ và hiệu ứng từ 2 show Anh trai, nhà sản xuất và giám đốc âm nhạc sẽ cần bứt phá hơn nữa để Chị đẹp đạp gió về đích an toàn.
Nguồn: https://vietgiaitri.com/khan-gia-dong-loat-xin-loi-hua-kim-tuyen-sau-cong-dien-5-chi-dep-dap-gio-20250105i7353593/?campid=cWNfZmFjZWJvb2t8Y3BjfFZHVDAwMS1MaW5rXzIwMjUwMTA1fDIwOjA0OjUx