Việc Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump công bố thượng nghị sĩ Marco Rubio là ứng viên cho vị trí ngoại trưởng đánh dấu một bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Washington.
Theo Washington Post, ông Rubio, với lập trường cứng rắn về các vấn đề quốc tế, mang đến một quan điểm phức tạp nhưng rõ ràng trong bối cảnh các thách thức địa chính trị toàn cầu ngày càng gia tăng.
Xung đột Israel – Gaza
Ông Rubio là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất Israel trong quốc hội Mỹ. Ông đã lên tiếng nhiều lần bảo vệ các hành động quân sự của Israel trong các cuộc xung đột với Hamas và Hezbollah. Theo ông Rubio, cuộc chiến chống Hamas là một “cuộc chiến chính nghĩa” nhằm đảm bảo an ninh lâu dài cho người dân Israel.
Ngoài ra, thượng nghị sĩ Rubio phản đối các lệnh ngừng bắn khi Hamas vẫn có khả năng đe dọa Israel, và kêu gọi “phá hủy toàn bộ cơ sở hạ tầng của Hamas”. Ông cũng chỉ trích việc các đồng minh phương Tây đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel, cáo buộc động thái này làm suy yếu khả năng tự vệ của một đồng minh quan trọng. Quan điểm của ông Rubio phản ánh sự kiên định trong việc đặt lợi ích chiến lược và đạo đức của Mỹ lên hàng đầu khi bảo vệ Israel trước các mối đe dọa khủng bố.
Cựu tổng thống Donald Trump trên sân khấu cùng thượng nghị sĩ Marco Rubio trong một cuộc vận động tranh cử ở Allentown, Pennsylvania ngày 29.10 – Ảnh: Washington Post
Lập trường đối đầu Iran
Ông Rubio xem Iran là một mối đe dọa địa chính trị hàng đầu đối với Mỹ. Ông nhấn mạnh rằng Iran là nguồn tài trợ chính cho các lực lượng như Hamas và Hezbollah, cũng như các nhóm dân quân Shia ở Iraq và Syria. Ông Rubio đã chỉ trích chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden vì theo đuổi các cuộc đàm phán ngoại giao mà ông coi là quá mềm mỏng với Tehran.
Ông ủng hộ “quyền đáp trả không cân xứng” của Israel trước các hành động gây hấn từ Iran và cho rằng chính quyền ông Trump nên có chính sách cứng rắn hơn, gồm cả việc tăng cường trừng phạt kinh tế và các hành động quân sự nếu cần. Ông Rubio cũng coi mối quan hệ giữa Iran với Nga và Trung Quốc là một phần của “trục quyền lực” ảnh hưởng trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.
Trung Quốc – đối thủ số 1
Thượng nghị sĩ Rubio xem Trung Quốc là “đối thủ tiên tiến nhất” mà Mỹ từng đối mặt. Ông đã thúc đẩy các nhà lập pháp tại lưỡng viện Mỹ ban hành các dự luật cứng rắn nhằm kiềm tỏa Bắc Kinh, từ áp đặt thuế quan đến chống lại hoạt động gián điệp và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Đáng chú ý, ông Rubio là một trong số các nhà lập pháp Mỹ bị Trung Quốc trừng phạt vì sự ủng hộ đối với phong trào dân chủ ở Hồng Kông. Ông khuyến nghị Washington đầu tư mạnh vào công nghệ và an ninh kinh tế để đảm bảo Mỹ không bị lu mờ bởi Trung Quốc trong thế kỷ 21.
Quan điểm về chiến tranh Nga – Ukraine
Ông Rubio mô tả cuộc chiến Nga – Ukraine là một thế bế tắc tốn kém mà Washington cần giải quyết. Mặc dù ca ngợi sự kiên cường của Ukraine, ông Rubio cho rằng một chiến thắng hoàn toàn trước Nga là không thực tế. Ông đã đề xuất giải pháp kết thúc cuộc biến bằng đàm phán, dù không đưa ra chi tiết cụ thể, và nhấn mạnh rằng Mỹ không nên kiệt quệ nguồn lực khi hỗ trợ Ukraine.
Ông Rubio cũng chỉ ra rằng việc tập trung quá nhiều vào cuộc chiến ở châu Âu có thể làm giảm khả năng đối phó với Trung Quốc, điều mà ông coi là ưu tiên chiến lược lớn hơn. Quan điểm này cho thấy sự thận trọng trong việc cân bằng các lợi ích địa chính trị của Mỹ.
Vai trò của NATO
Ông Rubio ủng hộ sự tồn tại của NATO nhưng nhấn mạnh rằng các nước thành viên châu Âu cần chia sẻ gánh nặng chi phí quốc phòng một cách công bằng hơn. Ông đồng ý với Tổng thống đắc cử Trump rằng Mỹ không thể mãi gánh vác chi phí an ninh cho châu Âu, đặc biệt khi nhiều nước trong liên minh đầu tư mạnh vào phúc lợi xã hội hơn là quốc phòng.
Tuy nhiên, ông Rubio cũng là người bảo trợ cho một dự luật ngăn cản bất kỳ tổng thống nào rút khỏi NATO mà không có sự chấp thuận của quốc hội. Điều này phản ánh cam kết của ông Rubio trong việc duy trì các liên minh chiến lược của Mỹ trong khi yêu cầu sự công bằng từ các đối tác.
Quan hệ với Mỹ Latinh
Là con trai của người nhập cư Cuba, ông Rubio có mối quan tâm sâu sắc đến khu vực Mỹ Latinh. Ông ủng hộ các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Cuba, Venezuela và Nicaragua, đồng thời kêu gọi đầu tư vào các chính phủ bảo thủ trong khu vực để xây dựng quan hệ đối tác với Mỹ.
Ông Rubio kêu gọi một chính sách đối ngoại “thế hệ mới”, tập trung vào việc hợp tác với các nước Mỹ Latinh để cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cũng sẽ phải đối mặt với thách thức lớn từ chính sách nhập cư cứng rắn của ông Trump, đặc biệt là trong việc xử lý hàng trăm nghìn người tị nạn từ khu vực này.
Việc bổ nhiệm ông Marco Rubio làm ngoại trưởng sẽ mang đến một chính sách đối ngoại kết hợp giữa sự cứng rắn truyền thống và chiến lược hợp tác có chọn lọc. Ông Rubio thể hiện sự sẵn sàng bảo vệ lợi ích quốc gia của Mỹ, đối đầu với các mối lo ngại từ Trung Quốc, Iran, Nga, đồng thời củng cố các liên minh quan trọng như NATO và quan hệ đối tác ở Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, những thách thức như cân bằng các ưu tiên giữa châu Âu và châu Á, duy trì sự gắn kết trong các liên minh và xử lý các vấn đề nội bộ về nhập cư sẽ là bài toán phức tạp mà ông Rubio cần giải quyết. Nếu được xác nhận, ông sẽ phải chứng minh khả năng lãnh đạo trong một thế giới ngày càng phân cực và đầy biến động.