Sắp khởi công hai cầu vượt sông Hồng với tổng đầu tư 30 nghìn tỷ đồng

Hai cầu bắc qua sông Hồng là cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được ưu tiên khởi công trong năm 2025 với tổng mức đầu tư 30 nghìn tỷ đồng. UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành có liên quan và chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án này trong quý I hoặc II năm 2025.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa cho biết, Hà Nội đang đẩy mạnh phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, cần tổng số 18 cây cầu vượt sông Hồng để giảm ùn tắc giao thông và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.

Hình ảnh thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên qua sông Hồng.

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trên sông Hồng hiện nay đã có 9 cây cầu được đầu tư xây dựng . Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung lập kế hoạch xây dựng 9 cây cầu mới. 9 cây cầu dự kiến xây dựng bao gồm: Cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, cầu Vân Phúc, cầu Hồng Hà, cầu Thượng Cát, cầu Thăng Long mới, cầu Mễ Sở, cầu Phú Xuyên…

Về tiến độ và thời gian thực hiện các cây cầu này, ông Trần Sỹ Thanh cho biết, sau khi Luật Thủ đô mới được Quốc hội thông qua (tháo gỡ một số cơ chế về việc huy động vốn cho các dự án phát triển hạ tầng) và xét nhu cầu bức thiết về việc giải quyết ùn tắc giao thông, UBND thành phố đã có kế hoạch khởi công trước 2 cầu bắc qua sông Hồng trong năm 2025 là cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi. Thời gian được UBND thành phố Hà Nội giao cho các sở ngành có liên quan và chủ đầu tư hoàn thành thủ tục, khởi công hai dự án trong quý I hoặc II/2025.

Bài viết liên quan  Trồng rau trên đường trăm tỉ làm 4 năm chưa xong ở Hà Nội

30 nghìn tỷ đồng cho 2 cầu vượt sông Hồng

Cho ý kiến về việc thẩm định, các phương án xây dựng cầu Tứ Liên, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên là một trong những dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025. Theo các phương án báo cáo nghiên cứu khả thi của Nhà đầu tư và Tư vấn, cầu Tứ Liên có tổng mức đầu tư hơn 19 nghìn tỷ đồng. Cầu có phương án thiết kế kiến trúc dạng dây văng, kết hợp văng xoắn tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép.

Hình ảnh thiết kế một cầu bê tông cốt thép qua khu vực nội thành Hà Nội.

Cầu có tổng chiều dài khoảng 11,5km, bắt đầu từ nút giao Nghi Tàm đến nút giao Vành đai 3 (đoạn giao với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), trong đó, cầu Tứ Liên có chiều dài 2,9km, cầu chính dài 1km, quy mô mặt cắt ngang theo quy hoạch bảo đảm 6 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp và 2 làn đi bộ.

Đề cập đến khả năng cân đối và bố trí vốn, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết, hiện dự án đang có hai nguồn bố trí vốn đó là sử dụng đầu tư công hoặc vốn PPP. Một số nhà đầu tư trong đó có Tập đoàn Vingroup (Công ty Cổ phần) đã đề xuất được thực hiện dự án. Phương án chọn đầu tư công hoặc hình thức PPP sẽ được UBND thành phố lựa chọn khi Sở KH&ĐT phối hợp với Sở GTVT kiến nghị UBND thành phố xem xét, lựa chọn trong quý I/2025.

Bài viết liên quan  Giá vàng hôm nay 30/12/2024 ít biến động, chờ 2025 bứt phá

Với dự án cầu Ngọc Hồi , đại điện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, cầu nằm trên đường Vành đai 3,5 với điểm đầu tại xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, điểm cuối nằm trên đường Vành đai 3,5 tại địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Theo các phương án được lập, cầu có tổng chiều dài khoảng 7,5 km, quy mô mặt cắt ngang 80 m, tốc độ thiết kế 80 km/h, tổng tổng mức đầu tư dự kiến hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Theo lộ trình được UBND thành phố giao cho các sở ngành lập kế hoạch xây dựng cầu Ngọc Hồi, trong tháng 1/2025, Sở QH&KT thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.