Muôn kiểu chống ngập của người dân TPHCM “mùa nước nổi”

TPHCM – Khi mưa lớn hay triều cường dâng cao, nhiều hộ dân tại các khu vực ngập úng lại mất ăn mất ngủ, loay hoay tìm đủ mọi cách để chống ngập.

Sống tại một con hẻm trên đường Nguyễn Ngọc Cung (Quận 8) hơn 20 năm nay, gia đình chị Đỗ Xuân Mai đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần nước ngập do mưa lớn và triều cường dâng cao, nước tràn vào nhà khiến nhiều đồ đạc hư hỏng.

Chị Mai cho biết, cứ vào mùa nước lên, nhiều đêm cả nhà đều phải thức tát nước, dọn dẹp nhà cửa.

Nước tràn vào nhà, ngập đến đầu gối, do vậy một số hộ dân xây bậc bê tông, đưa các đồ dùng lên cao để hạn chế hư hỏng.

“Năm rồi nước lên hư tủ lạnh, năm nay lại hư thêm chiếc xe khiến gia đình tôi chật vật vô cùng. Gia đình tôi đang mua trả góp tủ lạnh mới, sợ nước tràn vào nhà gây hư hỏng nữa nên buộc xây bậc cao lên để kê tủ lạnh”, chị Mai nói.

Cách đó không xa, gia đình anh Thành Công khi biết thời gian triều cường xuất hiện, đã chuẩn bị sẵn bao cát, vách ngăn để không cho nước và rác bẩn tràn vào nhà.

“Nước tràn vào nhà ít thì tôi dùng khăn thấm nước rồi vắt ra, nhiều thì vợ chồng tôi tát nước liên tục. Toàn bộ đồ trong nhà đều được kê cao, còn tối ngập lên gác ngủ”, anh Công chia sẻ.

Tuy anh Công đã chuẩn bị các vật dụng chắn nước nhưng chưa đầy 20 phút, nước đã tràn vào nhà anh.

Anh Công nói thêm, tại đây đa phần đều là dân lao động, không đủ tiền để nâng nhà nên đành phải sống chung với cảnh ngập nước. Chỉ có số ít hộ dân vừa nâng nền khoảng vài tháng nay, nhưng khi triều cường đạt đỉnh, nước ngập sâu cũng văng tung toé vào nhà khi có xe đi ngang.

Bài viết liên quan  Sống sót khi máy bay gặp sự cố: Nhất địпh phải nhớ kĩ những điều пày

Ngoài đường Nguyễn Ngọc Cung (Quận 8) và các tuyến hẻm lân cận, theo Sở Xây dựng TPHCM, một số tuyến đường khác trên địa bàn TPHCM như Phú Định (Quận 8), Đào Sư Tích, Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè), Huỳnh Tấn Phát (Quận 7), Trần Xuân Soạn (Quận 7), Quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh)… cũng có nguy cơ ngập nặng.

Tại đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) mực nước lên cao do triều cường khiến hàng quán không thể buôn bán, hàng loạt xe chết máy phải đẩy bộ.
Người dân di chuyển trên vỉa hè để qua đoạn ngập sâu.
Một con hẻm ở bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh), gần khu vực bị sạt lở cũng ngập nặng do triều cường.

Theo dự báo Đài khí tượng Thuỷ văn khu vực Nam Bộ ngày 17.11, mực nước các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai có khả năng xuống chậm trong 1 – 2 ngày đầu, sau xuống nhanh.

Đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc trên mức báo động 1 sẽ duy trì đến hết ngày 21.11. Người dân cần đề phòng ngập úng gây ảnh hưởng đến đời sống – xã hội.

Để ngăn nước tràn vào nhà, nhiều hộ dân đắp bao cát, thậm chí nâng nền nhà nhưng vẫn không thoát cảnh nước bủa vây.
Những hộ dân tại khu vực ngập úng đều mong chính quyền địa phương sớm có cách khắc phục.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/muon-kieu-chong-ngap-cua-nguoi-dan-tphcm-mua-nuoc-noi-1422831.ldo