Theo truyền thống từ xưa đến nay của người Việt thì có lẽ ai cũng đã quá quen thuộc với điều này. Khi chọn gà để cúng lễ, sẽ luôn là gà trống chứ không thể là gà mái.
Vậy nhưng, bạn có biết vì sao lại như vậy không. Mình đọc được thông tin trên báo rất hay lý giải về điều này. Mình chia sẻ lại chi tiết trong bài viết bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!
Lý giải vì sao gà cúng luôn là gà trống mà không phải gà mái, chuyên gia cho biết điều này bắt nguồn từ thời kỳ tư tưởng Nho giáo chi phối lễ giáo xã hội.
Trong mâm cúng đêm giao thừa và ngày lễ tết, giỗ chạp của người Việt Nam thường có đĩa xôi và một con gà luộc chín, miệng ngậm bông hồng đỏ. Điều dễ dàng nhận thấy là gà cúng luôn phải là gà trống.
Trả lời phóng viên của Báo điện tử VTC News, TS Trần Long, nguyên Trưởng bộ môn Văn hoá Việt Nam, khoa Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, tập tục dùng gà trống trong cúng tế có từ thời phong kiến ở Việt Nam, khi tư tưởng Nho giáo chi phối lễ giáo xã hội.
Nho giáo đề cao Ngũ thường gồm Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín; các nghi thức tế lễ cũng quy vào đó. Sở dĩ người xưa có tục cúng gà trống vì gà trống được cho là có đủ các phẩm chất này. Cụ thể, khi tìm được mồi, gà trống thường gọi gà mái và gà con đến cùng ăn, đó là Nhân – đạo lý làm người, biết yêu thương chia sẻ.
Gà trống có mào to đẹp như đội chiếc mũ trang trọng, giống như các quan khi thượng triều đều phải đội mão, đó là biểu hiện của Lễ – tuân thủ lễ nghi, giữ đúng tôn ti, kính trên nhường dưới. Mão quan được phân định theo cấp bậc, từ nhất phẩm đến cửu phẩm, mọi người phải tùy vị trí mà ứng xử cho đúng lễ.
Loài gà có tập tính là khi được người nông dân cho ăn 3 ngày thì nó sẽ ở lại nhà họ, đây là biểu hiện của Nghĩa – trọng tình nghĩa, tôn trọng lẽ phải, biết tri ân, đền đáp những ai tốt với mình.
Gà trống cũng là biểu tượng của Dũng – tinh thần dũng cảm, thượng võ, dám thắng dám thua. Gà trống luôn chiến đấu hết mình, đi đến cùng trong trận chiến. Nếu thua, khi gặp lại đối thủ cũ, nó sẽ không thi đấu nữa, thể hiện tinh thần biết chấp nhận thất bại. Theo quan niệm người xưa, Dũng không chỉ là quyết thắng mà còn là dám chấp nhận thua, không sân si, thù vặt.
Chữ Tín cũng là đặc điểm nổi bật của gà trống. Ngày ngày nó đều đặn gáy từ mờ sáng, đánh thức mọi người, cho thấy phẩm chất đáng tin cậy, biết giữ lời hứa và cam kết với người khác.
Theo TS Trần Long, tư tưởng trọng nam khinh nữ thời phong kiến cũng là lý do vì sao người ta cúng gà trống mà không cúng gà mái. Theo đó, trong các nghi lễ cúng tế, người chủ lễ phải là đàn ông; tập tục bày ra cũng theo xu hướng nâng cao phẩm cách người quân tử. Việc cúng gà trống là sản phẩm văn hoá của thời đó; người xưa coi trọng đàn ông có đủ Ngũ thường nên mới cúng gà trống.
Thời nay, phụ nữ Việt Nam cũng có đủ các phẩm chất trên, thậm chí còn xuất sắc hơn với bốn chữ vàng: Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang.
Cúng gà mái có phạm điều cấm kỵ?
Theo TS Trần Long, người Việt Nam hiện đại hoàn toàn có thể cúng gà mái vào các ngày giỗ, Tết. Về mặt văn hóa tâm linh, điều này không vi phạm cấm kỵ hay gây nguy hại gì.
Trong thực tế, nhiều gia đình có cúng gà mái nhưng trước khi dâng lên thì chặt miếng, bày đĩa như một món ăn trong mâm, thay vì đặt cả con dáng chầu như gà trống. Nhiều người có quan điểm cúng gà mái tơ sẽ cầu được may mắn, bình an.
Trong các dịp cúng ngày rằm, cúng tháng cô hồn, cúng gia tiên, thắp hương cửa hàng, nhiều người cũng sử dụng gà mái để cúng. Với mâm cúng mang ý nghĩa dâng hương, cỗ cúng gà mái đang ngày được ưa chuộng vì gà mái luộc ăn sẽ thơm, ngon hơn.
Tại sao khi sắm đồ cúng, người Việt hay dùng gà, lợn chứ không dùng ngan, vịt, chó?
Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng truyền thống xa xưa, người Việt nuôi trâu bò để làm công cụ lao động. Luật cấm ăn thịt trâu, bò được triều đại Lý – Trần ban hành và tiếp tục tới triều Nguyễn. Hơn nữa trâu bò to lớn giá trị cày cấy tạo ra tiền, và không phải lúc nào cũng có thịt, chỉ khi trâu bò hết sức kéo, hoặc đại hội hợp tác xã mới có ngả trâu bò thịt cho xã viên ăn.
Bởi thế thấm sâu trong truyền thống từ xa xưa tổ tiên cha ông ta chỉ có miếng thịt gà, miếng thịt lợn thắp hương. Ngày ông Công thì quan trọng cá chép. Có lẽ do đó ăn sâu vào tiềm thức tạo thành truyền thống truyền đời là mâm cúng không có thịt trâu bò. Còn ngan, vịt cũng không phải là thực phẩm phổ biến.
Hơn nữa thịt lợn và gà gắn liền với đời sống tâm linh. Gà, đặc biệt gà trống gọi mặt trời, được xem là linh vật kết nối con người và thần linh. Gà trống cất tiếng gáy báo hiệu ngày mới nên cần có trong lễ cúng giao thừa năm mới. Gà trống mang ý nghĩa phong thủy tốt lành, mang đặc trưng của người đàn ông đủ văn võ trí dũng tín. Trong khi đó ngan, vịt không có ý nghĩa phong thủy này như gà dù cùng họ gia cầm nên không được chú trọng để cúng tế. Ngan vịt cũng không mang ý nghĩa oai phong như gà nên không thể thành vật hiến tế dâng cúng vì sẽ không thể hiện được sự tôn nghiêm.
Còn lợn là vật nuôi trong nhà cũng gần gũi với thực phẩm của người Việt. Lợn gắn liền với tích thần tài thích ăn lợn quay. Lợn sinh con đàn đông đúc, biểu trưng cho sự sinh sôi nảy nở, tài lộc dồi dào, may mắn no đủ. Bởi thế lợn thường xuất hiện trong nhiều lễ cúng, có thể luộc miếng thịt trong tuần rằm, heo quay phải có trong lễ vía Thần Tài, heo cả con hoặc thủ heo trong lễ cưới hỏi, hội đình làng, khai trương, động thổ, thôi nôi, đầy tháng…
Hơn nữa gà, lợn cũng là những loại thịt không có mùi nặng như ngan, vịt, trâu, bò chó nên là thực phẩm phổ biến hơn và khi làm đồ cúng cũng dễ thể hiện sự trang trọng hơn. Lợn gà dâng lên gia tiên làm món ăn thì cũng là những loại thịt phổ biến gần như không gây dị ứng. Trong khi đó trâu bò chó ngan, vịt thì nhiều người không ăn được, nên đặt lên ban thờ nhiều thần, nhiều vị gia tiên tiền tổ có thể không hợp lý.
Chính vì những yếu tố trên mà ăn sâu vào truyền thống người Việt chú trọng gà, lợn trong mâm cúng chứ không dùng cúng chó, trâu, bò ngan, vịt.
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/goc-chia-se-thong-tin/vi-sao-ga-cung-luon-phai-la-ga-trong-neu-cung-ga-mai-thi-pham-phai-kieng-ky-nao-khong