Đây là thông tin mình đọc được trên báo thấy rất hay và hữu ích nên chia sẻ lại ở đây cho mọi người cùng biết nhé! Dịp Tết hãy cùng nhau lan tỏa niềm vui và những năng lượng tích cực chứ đừng khiến mọi người xung quanh cảm thấy buồn bực hay chán ghét nhé, nhất là đối với trẻ em!
Thứ nhất: Lôi thành tích học tập ra nói giữa mâm ăn
Nếu người lớn thường so sánh nhau về thành tích trong công việc thì con trẻ cũng đau đầu vì thành tích học tập.
“Sao học kém thế”, “Sao điểm cuối kì có từng này”, “Cuối kì vừa rồi có được điểm 9-10 không”… – Những câu hỏi khiến bạn chỉ trừ điểm nặng trong mắt trẻ con. Bởi chỉ cần một câu nói của bạn, dễ khiến 1 đứa trẻ trở thành trung tâm bị chỉ trích ngay giữa bữa ăn. Sau đó là một bài ca dài than thở từ cha mẹ đứa trẻ, đổ lỗi cho con mình điểm kém do lười biếng, kém thông minh… Nghe đã thấy oải thay rồi!
Nếu quan tâm đến việc học của đứa trẻ, hãy nói chuyện riêng với cha mẹ của chúng. Hoặc cũng có thể gọi riêng đứa trẻ vào để đưa ra lời khuyên. Hãy nhớ rằng, bạn muốn đưa ra lời khuyên để tốt cho đứa trẻ, chứ không phải cố tình nói ra để biến chúng thành mục tiêu chỉ trích của tập thể họ hàng trong bữa ăn.
Thứ hai: M.i.ệ.t t.h.ị ngoại hình, p.h.án x.ét lối sống
Ở MXH Trung Quốc, một nữ sinh từng gây bão trên Weibo khi chia sẻ về video “Tôi đã chặn tài khoản của dì tôi ngay trước Tết Nguyên đán”. Video nhanh chóng nhận được hơn 20.000 bình luận và 23.000 lượt retweet chỉ sau thời gian ngắn đăng tải.
Trong clip, cô gái tâm sự mỗi lần đến Tết Nguyên đán lại gặp một người họ hàng thường xuyên soi mói và chê bai ngoại hình. Người dì này thường chê cô gái có gương mặt to béo, và đặt biệt danh “*** ú” ngay từ khi còn nhỏ. Đến khi vào cấp 3, nữ sinh này lại bị người dì săm soi rằng không nên đi xe, không nên học ngành X.
Mặc dù nhiều lần nhắc nhở, song người dì này vẫn tiếp tục những câu chuyện soi mói này. Cô gái vẫn biết người dì này không phải người xấu, thế nhưng vẫn nhấn mạnh: “Cách nói chuyện thì tệ vô cùng!”.
Bạn thấy đó, đừng bao giờ đánh giá thấp tác hại của những lời nói xấu có thể gây ảnh hưởng đến trẻ cỡ nào. Nếu liên tục bị dán nhãn tồi tệ, xấu xí… đứa trẻ có thể nghe theo và khiến cuộc nói chuyện chỉ khó chịu thêm. Điều tệ hại hơn cả là đứa trẻ không có khả năng phản kháng và biết phân biệt đúng sai, sẽ nghe theo dán nhãn đó và trở nên tự ti.
Bạn chỉ nên góp ý (tất nhiên với thái độ tích cực) nếu ngoại hình ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ đứa trẻ, hoặc đó là cách sống sai, dễ gây tai hại cho tương lai. Còn không thì Tết mà, phiên phiến cho nhau mà sống! Đến chính người trưởng thành cũng đâu muốn nghe những lời soi mói ngoại hình và cách sống đâu, huống chi là đứa trẻ.
Thứ ba: Công khai lì xì đứa bé này ít, đứa bé khác nhiều
Lì xì vẫn luôn là vấn đề nhạy cảm mỗi dịp Tết đến. Chúng ta vẫn luôn hiểu rằng lì xì thế nào là tuỳ tâm và một đứa trẻ không nên đòi hỏi quá nhiều về tiền mừng tuổi này.
Thế nhưng, một điều không ổn khi giữa một đám trẻ con, bạn lại công khai mừng tuổi đứa bé này ít, đứa bé kia nhiều. Điều này dễ gây ra tâm lý so sánh và khiến đứa trẻ tự dưng tự ti ngược lại về chính mình. Nếu muốn mừng tuổi nhiều hơn, hãy gọi ra chỗ kín và đừng để những đứa bé khác thấy được cảnh này!
Nhìn chung, ngày Tết mà, vui vẻ đến đâu hay đến đó. Đừng tự biến những ngày gặp mặt sum vầy trở thành gánh nặng của chính mình, cũng như con trẻ.
Chính vì những điều trên mà không ít người cảm thấy ‘sợ’ Tết. Cính dịp sum vầy này mà khiến nhiều người cảm thấy “khó thở” mỗi khi trở về nhà, gặp gỡ anh em, họ hàng. Tất cả cũng chỉ vì những câu hỏi “từ trên trời rơi xuống” từ họ hàng, nghe xong chỉ muốn biến mất luôn như: Lương thưởng bao nhiêu? Có người yêu chưa? Cưới xin thế nào…
Bạn đừng tưởng rằng chỉ có người lớn mới áp lực với những câu hỏi EQ thấp từ họ hàng. Mà chính những đứa trẻ, tưởng chừng vô tư vô lo, cũng rất stress nếu gặp phải những câu hỏi đau đầu từ họ hàng. Cũng đừng lấy những câu hỏi làm khó trẻ con để làm niềm vui của người lớn. Tại sao không thay vào đó là những cư xử tinh tế, văn minh giúp cho tất cả mọi người đều cảm nhận được niềm vui và hạnh phúc!
Bởi nếu người trưởng thành còn có thể phản kháng và biết được đâu là ranh giới của trêu đùa và kém duyên, thì chính những đứa trẻ lại rất khó phân biệt được những điều này. Cứ 1-2 câu kém duyên từ họ hàng, sẽ dễ khiến đứa trẻ trở nên tiêu cực và tự ti, không còn mong ngóng đến Tết nữa.
Có những họ hàng chỉ tồn tại trong dịp Tết, sau đó biến mất, và sẽ lại xuất hiện trong dịp Tết sang năm. Vậy nên nếu muốn bản thân không trở thành người chú/người cô tệ trong mắt con trẻ, thì đây là 3 hành động bạn cần tuyệt đối tránh!
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/ngam-chuyen-doi/3-hanh-dong-duoc-xep-hang-la-nguoi-eq-thap-khi-gap-go-anh-em-ho-hang-ngay-tet