Loạt dự án NOXH được Hà Nội cập nhật danh mục xây dựng giai đoạn 2021-2025, cùng nhiều dự án được khởi công – dự kiến “bung hàng” trong năm nay.
Nhiều dự án nhà ở xã hội “bung hàng” trong năm 2025
UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt cập nhật danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị trong Kế hoạch phát triển nhà ở của thành phố giai đoạn 2021-2025.
Trong số 72 dự án mới được phê duyệt, có 8 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích sàn hơn 255.700m2 (hơn 1.580 căn hộ). Trong đó, trên địa bàn huyện Thường Tín có 5 dự án, quận Long Biên (2 dự án) và quận Hoàng Mai (1 dự án).
Một số dự án nhà ở xã hội đáng chú ý như dự án nhà ở xã hội ngõ 218 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), có tổng mức đầu tư 823 tỉ đồng, dự kiến có 500 căn hộ.
Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô quy hoạch A4/HH5 tại phường Ngọc Thuỵ và Thượng Thanh (quận Long Biên) với tổng mức đầu tư 812 tỉ đồng. Dự án gồm 450 căn hộ, dự kiến hoàn thành năm 2030.
Hà Nội cũng điều chỉnh thông tin 7 dự án nhà ở xã hội đã phê duyệt trước đó. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại ô đất CT6B, CT7, CT8 khu đô thị mới Tây Nam Kim Giang 1 (Hoàng Mai) dự kiến thực hiện năm 2027.
“Tia hy vọng” giúp cân bằng giá nhà ở
Từ cuối năm 2024, thị trường nhà giá rẻ tại Hà Nộiliên tiếp đón tin vui từ các dự án nhà ở xã hội được khởi công, cấp phép xây dựng. Theo các chuyên gia, nhà ở bình dân, nhà xã hội chính là “tia hy vọng” giúp cân bằng giá nhà ở, đảm bảo thị trường phát triển bền vững và lành mạnh.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Những điểm mới trong các bộ luật này góp phần tháo gỡ những khó khăn mà thị trường phải đối mặt trong thời gian qua, trong đó có những “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội.
Trong đó, Luật Nhà ở mới quy định những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn. 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội sẽ thuộc trách nhiệm quy hoạch của từng địa phương, căn cứ vào đó các địa phương sẽ có chính sách phát triển nhà ở, bố trí quỹ đất thực sự phù hợp.
Nhận định chung về giá nhà ở (phân khúc chung cư) trong thời gian tới, ông Đính lo ngại, bảng giá đất mới tăng đột biến có thể làm tăng giá nhà tại Hà Nội năm 2025, thậm chí hợp thức hóa giá nhà đất tăng “ảo” hiện nay.
Theo bảng giá đất sửa đổi của Thành phố Hà Nội áp dụng từ nay đến hết năm 2025, phần lớn vị trí đất đều được điều chỉnh tăng giá gấp 2-6 lần so với bảng giá cũ, mức tăng trung bình vào khoảng 3,5 lần.
Trong đó khu vực các quận tăng từ 190 – 270% so với mức cũ; ở các huyện, xã thuộc thị xã khoảng 150 – 190%; đất thương mại dịch vụ ở khu vực trung tâm thêm 50 – 100%, ngoại thành 30 – 50%; giá đất nông nghiệp thêm khoảng 15%.
“Cần cân nhắc tác động tiêu cực khi giá đất dựa trên thị trường hiện tại, nơi cung ít – cầu nhiều, giá bị đẩy lên mức cao hoặc bị lạm dụng. “Nếu lấy mức “giá ảo” này làm căn cứ pháp lý, nguy cơ tạo ra vòng luẩn quẩn: giá bất động sản liên tục tăng, người dân khó tiếp cận, trong khi doanh nghiệp chịu áp lực lớn về chi phí”, ông Đính nói.
Do đó, ông đề xuất giải pháp cần xây dựng phương pháp tính giá đất dựa trên tư duy kích thích phát triển, thay vì chỉ tập trung tăng nguồn thu ngân sách. Hoàn thiện các công cụ đo lường chuẩn mực, ban hành chỉ số giá bất động sản định kỳ, tương tự chỉ số chứng khoán, nhằm đảm bảo mức giá sát thực tế.
Đưa ra chính sách hỗ trợ đối với các đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ thiết yếu, giảm gánh nặng thuế và chi phí thuê đất. Và bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn giao dịch để đảm bảo minh bạch và chính xác.
Việc định giá đất cần thực hiện trên cơ sở giao dịch thực tế và có tính hỗ trợ phát triển, nhằm vừa đáp ứng yêu cầu pháp lý vừa tạo động lực cho kinh tế – xã hội.