Mất phụ cấp thâm niên, giáo viên không muốn được điều chuyển

Mất phụ cấp thâm niên, giáo viên không muốn được điều chuyển
Mất phụ cấp thâm niên, giáo viên không muốn được điều chuyển

Sau khi được điều động một thời gian sẽ bị mất các khoản phụ cấp, nên có những giáo viên không muốn được điều chuyển dù ở vị trí cao hơn.

Sáng 20.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Nhà giáo.

Đóng góp ý kiến, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho rằng, việc điều động nhà giáo từ các cơ sở giáo dục công lập sang làm quản lý ở cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn. Đại biểu nêu thực tế, giáo viên không muốn được điều chuyển dù ở vị trí cao hơn, do sau khi được điều động một thời gian sẽ bị mất các khoản phụ cấp.

Vì vậy, đại biểu đề nghị: “Nên cho nhà giáo được bảo lưu phụ cấp thâm niên khi được điều động công tác sang cơ quan quản lý giáo dục, nhằm tạo thuận lợi cho công tác điều động, sắp xếp cán bộ của ngành, đảm bảo quyền lợi của nhà giáo”.

Vấn đề điều động công tác cũng được đại biểu Lê Thị Ngọc Linh (Đoàn Bạc Liêu) quan tâm. Đại biểu cho rằng, việc điều động nhà giáo nhằm kịp thời giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên, hạn chế việc lựa chọn trường của một số nhà giáo.

Tuy nhiên, theo đại biểu, cần quy định về thẩm quyền, nguyên tắc và điều kiện trong việc điều động nhà giáo; đồng thời có quy định cụ thể về chính sách đối với các nhà giáo được điều động đến vùng sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Bài viết liên quan  Hàng nghìn giáo viên chưa được chi trả tiền dạy thêm giờ

Đại biểu Lê Thị Ngọc Linh cũng cho rằng, thực tế hiện nay chế độ chính sách đối với nhà giáo như lương, phụ cấp còn thấp; tiền lương của nhà giáo chưa thực sự là nguồn thu nhập chính để đảm bảo đời sống, dẫn đến đời sống của nhà giáo còn gặp nhiều khó khăn.

“Điều này dẫn đến tình trạng nhà giáo không an tâm công tác, một bộ phận không nhỏ nhà giáo bỏ việc, nhất là các nhà giáo trẻ. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, nhiều địa phương thiếu nguồn giáo viên”, đại biểu nêu thực tế.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) cho rằng, một trong những đề xuất quan trọng trong dự thảo luật là quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo tuyển dụng xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

“Các quy định này là phù hợp để thu hút và giữ chân các giáo viên giỏi, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục bền vững”, đại biểu nêu ý kiến.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/giai-dap-phap-luat/mat-phu-cap-tham-nien-giao-vien-khong-muon-duoc-dieu-chuyen-1424007.ldo