HUẾ – Sau nhiều năm làm thủ tục, tuy hồ sơ đã hoàn thiện, gửi các cấp liên quan nhưng một gia đình ở Huế vẫn mòn mỏi đợi công nhận liệt sĩ cho người thân.
Mòn mỏi chờ đợi
PV Báo Lao Động nhận được phản ánh của ông Lê Văn Tranh (trú phường An Tây, TP Huế) về việc nhiều năm mòn mỏi đợi công nhận liệt sĩ cho người thân.
Theo đơn, năm 1994, ông Tranh có làm một bộ hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ cho ông nội của mình tên là Lê Phước Huyên (SN 1911, nguyên quán tại thôn Điền Trung, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Hồ sơ xin công nhận liệt sĩ của ông Huyên có xác nhận của 2 người đồng đội là ông Hoàng Mạnh Lương (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên cán bộ Đường sắt Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng) và ông Nguyễn Hồng (nguyên Phó Trưởng phòng Quản trị – Hành chính, Bệnh viện Trung ương Huế, nguyên Phó Trưởng Phòng Quản trị – Đời sống, Trường Đại học Y khoa Huế, cán bộ chính trị bị địch bắt tù đày ở Côn Đảo, cán bộ lão thành cách mạng).
Theo đó, ông Lương và ông Hồng xác nhận như sau: Ông Lê Phước Huyên tham gia cách mạng từ tháng 8.1945 đến tháng 1.1948 đã giữ chức vụ: Phó Bí thư Ban Chấp hành nông dân Cứu Quốc, Ủy viên Ban Chấp hành Việt Minh xã Phú Hậu và xã Phú Phong (nay là Ủy Ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Ngày 17.1.1948, ông đi công tác bị địch phục kích, bắn chết tại thôn Điền Trung, xã Vinh Phú (nay là thôn Tân Phú, xã Phú Gia, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế).
Theo ông Tranh, qua nhiều năm, nhiều lần bổ sung hồ sơ, năm 2019, hồ sơ xin công nhận liệt sĩ cho ông Lê Phước Huyên được các cấp thẩm định và được chuyển ra Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
“Nhiều năm nay, gia đình tôi mất nhiều thời gian, công sức để hoàn thiện hồ sơ. Thế nhưng, khi hoàn thiện hồ sơ thì chúng tôi vẫn phải mòn mỏi đợi chờ 5 năm nay” – ông Tranh nói.
Gia đình truyền thống cách mạng
Theo ông Tranh, gia đình ông có truyền thống cách mạng. Mẹ của ông Lê Phước Huyên (người đang đợi được công nhận liệt sĩ) là bà Lê Thị Giống được nhà nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Hai người em ruột của ông Huyên là Lê Dĩ, Lê Xoài đều là liệt sĩ. Con trai ruột ông Huyên là ông Lê Văn Riềng (bố của ông Lê Văn Tranh – người viết đơn) cũng là liệt sĩ.
Ông Tranh cho biết thêm, do thời gian chờ đợi quá lâu nên gia đình ông đã gửi đơn kiến nghị ra Bộ LĐTB&XH vào ngày 28.8.2024, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Liên quan đến vấn đề trên, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế xác nhận, trường hợp của ông Lê Phước Huyên đã được Sở này kiểm định hồ sơ, trình Bộ LĐTB&XH nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Theo hồ sơ mà Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế cung cấp, không chỉ trường hợp ông Lê Phước Huyên, còn có 9 trường hợp khác cũng rơi vào trường hợp tồn đọng chưa được công nhận liệt sĩ.
Ngày 28.8.2023, Sở LĐTB&XH tỉnh Thừa Thiên Huế có công văn kèm danh sách 10 hồ sơ tồn đọng theo Quyết định 408 đã trình Bộ LĐTB&XH đề nghị bộ hướng dẫn, chỉ đạo để Sở này có cơ sở trả lời đối với thân nhân người có công tại các buổi tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp dân nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công văn phúc đáp.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/mon-moi-xin-cong-nhan-liet-si-cho-nguoi-than-1424571.ldo