Theo chuyên gia pháp lý, có thể xác định người tham gia đấu giá đất ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) ngày 29.11 cố tình “phá” cuộc đấu giá.
Phiên đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến ngày 29.11 gây xôn xao dư luận khi có khách hàng trả giá 3 thửa đất có số hiệu A12, A13 và C6 lên tới trên 30 tỉ đồng/m2, sau đó đồng loạt không trả giá ở vòng tiếp theo rồi “xin” bỏ cuộc.
Trao đổi với Lao Động, ông Nguyễn Văn Đỉnh – Chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng đây không phải hình thức thổi giá, làm nhiễu loạn thị trường như một số ý kiến nhận định. Bởi nếu cố tình gây nhiễu loạn, người tham gia sẽ chỉ trả một mức giá cao hơn bình thường. Ví dụ tại các cuộc đấu giá tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức (một số lô đất trúng đấu giá trên 100 triệu đồng/m2).
Với việc trả giá trên 30 tỉ đồng/m2, ông Đỉnh nhận định rằng người trả giá không muốn tham gia đấu giá nữa do giá đã được đẩy lên quá cao vượt khả năng chi trả. Do đó, người này quyết định trả giá cao gấp gần 1.000 lần giá của các thửa đất khác (mức trúng đấu giá trung bình từ 30-50 triệu đồng/m2), chấp nhận mất khoản tiền đặt trước và cuộc đấu giá cho thửa đất này sẽ phải dừng lại mà không có người thắng cuộc.
Với tình huống này, theo Điều 39 Luật đấu giá tài sản, người tham gia đấu giá sẽ không được nhận lại tiền đặt trước. Luật đấu giá tài sản quy định người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước để bảo đảm cho nghĩa vụ tham gia cuộc đấu giá, trả giá, ký biên bản đấu giá khi trúng đấu giá. Nếu vi phạm, người tham gia đấu giá sẽ phải chịu chế tài là mất toàn bộ khoản tiền đặt trước.
Trường hợp này, có thể xác định người tham gia đấu giá cố tình “phá” cuộc đấu giá bởi người này biết và buộc phải biết về việc khi trả giá trên 30 tỉ đồng/m2 thì cuộc đấu giá sẽ phải dừng lại mà không có người thắng cuộc.
Tuy nhiên pháp luật không quy định chế tài với hành vi “phá” này ngoại trừ việc không được nhận lại tiền đặt trước. Về chế tài hành chính, Điều 23 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã quy định các mức xử phạt với người tham gia đấu giá có hành vi cản trở hoạt động đấu giá; gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá… nhưng không có chế tài nào áp dụng được cho trường hợp trên.
Ông Nguyễn Văn Đỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc thời gian gần đây, rất nhiều người tham gia đấu giá sẵn sàng trả giá cao, chấp nhận mất khoản tiền đặt trước là bởi theo Điều 159 Luật Đất đai 2024, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất tính theo bảng giá đất.
Do bảng giá đất của Hà Nội và nhiều địa phương hiện còn thấp nên kéo theo giá khởi điểm rất thấp, tiền đặt trước được tính bằng 20% giá khởi điểm cũng rất thấp, tạo ra sức hấp dẫn lớn để thu hút nhiều người tham gia (cuộc đấu giá ở huyện Sóc Sơn có giá khởi điểm chỉ 2,4 triệu đồng/m2).
Để chấn chỉnh tình trạng này, chuyên gia pháp lý bất động sản cho rằng, các địa phương cần thực hiện nghiêm quy định của Luật Đất đai 2024 và chỉ đạo của Bộ TN&MT, sớm rà soát để điều chỉnh, cập nhật bảng giá đất, đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi giá khởi điểm trong đấu giá đất được kéo sát giá thị trường và tiền đặt trước tăng theo, các cuộc đấu giá sẽ trở nên chuyên nghiệp, lành mạnh hơn, thay vì tình trạng lộn xộn thời gian vừa qua.
Kết thúc phiên đấu giá ngày 29.11 ở huyện Sóc Sơn, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỉ đồng.
36 thửa đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).
Nguồn: https://amp.laodong.vn/bat-dong-san/dau-gia-dat-30-tim2-co-y-tra-gap-1000-lan-de-pha-hoai-1428740.ldo