Mất 200 triệu đồng vì mánh khóe lừa đảo mới

Mất 200 triệu đồng vì mánh khóe lừa đảo mới
Mất 200 triệu đồng vì mánh khóe lừa đảo mới

Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra loạt cảnh báo về các mánh khóe lừa đảo mới xuất hiện trong tuần qua (từ ngày 25.11 – 1.12).

Bị lừa khi mua vé chương trình ca nhạc

Trước sức hút của hai chương trình âm nhạc lớn là Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai “say hi”, nhiều fan hâm mộ không thể đăng ký mua được vé khi ban tổ chức mở bán nên đã phải tìm mua lại vé trên mạng. Việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị lừa đảo, khiến nhiều người bị mất tiền.

Mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã thực hiện điều tra, xác minh vụ lừa đảo khi mua vé xem Anh trai “say hi”. Theo đó, nhóm chị N (trú tại Hai Bà Trưng, Hà Nội) có chuyển tiền cho một đối tượng, giới thiệu làm trong ban tổ chức bán vé xem chương trình Anh trai “say hi”. Nhưng sau khi chuyển tiền, đối tượng này đã không cung cấp được vé cho chị.

Bài đăng trên các hội nhóm mạng để rao bán vé chương trình cũng bị gỡ bỏ. Nghi ngờ bị lừa đảo, nhóm chị N đã đến Công an phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, trình báo. Tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 50 triệu đồng.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo khi thực hiện mua hoặc mua lại vé xem chương trình ca nhạc, sự kiện. Chỉ nên tuân thủ đúng quy định về mua bán vé theo kênh phân phối của ban tổ chức.

Bài viết liên quan  Hà Nội sáp nhập nhiều phường tại 6 quận trung tâm

Lừa đảo mạo danh cơ quan thuế

Công an xã Thủy Xuân Tiên (Chương Mỹ, Hà Nội) tiếp nhận đơn trình báo của anh T (trú tại huyện Chương Mỹ) về việc anh nhận được cuộc gọi điện thoại, người này tự xưng là nhân viên Chi cục thuế huyện Chương Mỹ, hướng dẫn anh kê khai thuế điện tử. Sau đó, đối tượng yêu cầu anh T cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo. Khi cài đặt xong, anh nghi ngờ mình bị lừa đảo và kiểm tra tài khoản ngân hàng thì phát hiện tài khoản bị trừ hơn 200 triệu đồng.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiêu trò trên thường là liên hệ với nạn nhân qua số điện thoại, Zalo, Facebook… để mời nạn nhân lên cơ quan thuế xác nhận thông tin, kê khai thuế điện tử. Sau đó, các đối tượng thuyết phục người dân tải ứng dụng giả mạo trên kho ứng dụng Google Play Store (CH Play).

Nếu đồng ý cài đặt các phần mềm giả mạo này, đối tượng lừa đảo có thể kiểm soát, theo dõi điện thoại nạn nhân; thực hiện việc chuyển tiền từ thông tin tài khoản ngân hàng và các ứng dụng thanh toán được lưu trên điện thoại.

Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân tuyệt đối đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng lạ gọi đến, tránh nguy cơ bị chiếm quyền điều khiến toàn bộ thiết bị và chiếm đoạt tài sản.

Bài viết liên quan  Tuyên án 4 nhân viên, giáo viên trường mầm non trong vụ bỏ quên trẻ 5 tuổi trên xe đưa đón ở Thái Bình

Cảnh giác trước các website làm hộ chiếu online giả mạo

Lợi dụng một bộ phận người dân không thông thạo về công nghệ thông tin, chưa thông thạo cách thức nộp hồ sơ trực tuyến, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều trang, hội nhóm “cò mồi” làm hộ chiếu nhanh.

Một số đối tượng xấu còn lợi dụng việc này đánh cắp các thông tin của cá nhân như: Ảnh chân dung, căn cước công dân, số điện thoại, email, địa chỉ thường trú, mã OTP… nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác trên không gian mạng. Sau đó dùng tài khoản này để lừa đảo vay tiền của người thân, bạn bè, chiếm đoạt toàn bộ thông tin cư trú cá nhân của nhiều người trong ứng dụng VNeID.

Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên tự thao tác nộp hồ sơ cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Trong trường hợp không thể nộp hồ sơ, người dân có thể nhờ người thân, bạn bè quen biết, có uy tín, am hiểu công nghệ thông tin hoặc trực tiếp đến cơ quan Công an nơi cư trú để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/mat-200-trieu-dong-vi-manh-khoe-lua-dao-moi-1429306.ldo