Nhiều chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần kiểm soát giá khởi điểm và bảo đảm cơ chế đấu giá đất minh bạch nhằm hạn chế hiện tượng bỏ cọc.
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, ngày 30.11, huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã tổ chức đấu giá 22 thửa đất tại xã Đỗ Động. Các thửa đất lên sàn đấu giá có diện tích nhỏ nhất hơn 85m2, lớn nhất hơn 135m2. Giá khởi điểm các thửa này từ 5,3 triệu đồng/m2, tương ứng tiền cọc 90,89 – 143,84 triệu đồng/thửa.
Hình thức đấu giá là bỏ phiếu kín trực tiếp nhiều vòng; ít nhất 6 vòng bắt buộc; bước giá tối thiểu 5 triệu đồng/m2. Như vậy, người tham gia phải trả tối thiểu 35,3 triệu đồng/m2 để có thể giành quyền sở hữu đất.
Tuy nhiên, đại diện UBND huyện Thanh Oai cho biết, đến vòng thứ 8, giá cao nhất khoảng 70 triệu đồng/m2 nhưng do khách hàng đồng loạt bỏ cuộc nên các lô đất đấu giá đều không thành công. Việc đấu giá không thành công 22 lô đất lần này ảnh hưởng lớn tới thu ngân sách của huyện.
Trước đó ngày 29.11, dư luận xôn xao khi tại phiên đấu giá đất huyện Sóc Sơn (Hà Nội) có nhà đầu tư trả tới 30 tỉ đồng/m2, đây là mức giá cao chưa từng có. Tuy nhiên, đến vòng đấu cuối cùng, người này lại xin không trả giá tiếp.
Đến ngày 30.11, UBND huyện Sóc Sơn đã đưa ra thông báo về kết quả đấu giá đất và công khai danh tính vị khách trả giá 30 tỉ đồng/m2 tại xã Xuân Thu và xã Quang Tiến.
Kết thúc phiên đấu giá, có 22/58 thửa đất được đấu giá thành công với giá trúng thấp nhất 32,4 triệu đồng/m2; cao nhất 50,4 triệu đồng/m2; tổng số tiền theo kết quả trúng đấu giá của 22 thửa đất là 112,2 tỉ đồng. 36 thửa đấu giá không thành do tất cả các khách hàng không trả giá ở vòng 6 (vòng đấu cuối cùng).
Để ổn định thị trường đất đấu giá, các chuyên gia bất động sản cho rằng, Nhà nước cần kiểm soát giá khởi điểm và bảo đảm cơ chế đấu giá minh bạch hơn nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, “cò” đất đẩy giá, gây rối loạn thị trường.
Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – nhận định, những hành vi trả giá cao rồi bỏ cuộc là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá. Dù việc công khai thông tin là biện pháp hữu hiệu song để ngăn chặn thì cần có biện pháp mạnh tay hơn.
Chuyên gia nhấn mạnh, trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem xét năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá. Cần có bộ công cụ thuế để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất.
Luật Đấu giá tài sản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.1.2025 đã bổ sung các chế tài xử lý vi phạm với người tham gia đấu giá tại Điều 70. Theo đó, với trường hợp giao, cho thuê đất để thực hiện dự án, người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc khiến kết quả bị hủy, sẽ không được tham gia đấu giá trong 6 tháng đến 5 năm.
Trường hợp cá nhân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc được quy định tại Luật Đất đai. Theo Nghị định 102 hướng dẫn Luật Đất đai 2024, người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong 120 ngày sẽ bị hủy kết quả và mất tiền cọc.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/bat-dong-san/ngan-chan-lan-song-bo-coc-dau-gia-dat-vung-ven-1429322.ldo