Người đàn ông này cảm thấy vô cùng khó hiểu khi công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.
Vào hồi tháng 5 vừa qua, tòa án Trung cấp tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đã đưa ra phán quyết cuối cùng về việc một người đàn ông lao vào biển lửa cứu vợ con nhưng lại bị công ty bảo hiểm từ chối bồi thường.
Theo hồ sơ vụ việc, sáng sớm ngày 22/1/2023 (tức mùng 1 Tết), người đàn ông họ Yang đang ghé nhà người bạn thì nghe tin căn nhà của mình bị bốc cháy. Mẹ, vợ và con trai ông đang mắc kẹt bên trong.
Ảnh minh họa
Không suy nghĩ nhiều, ông nhanh chóng lao vào “biển lửa’ để cứu gia đình mình, bất chấp sự ngăn cản của mọi người xung quanh. Kết quả, ông Yang bị bỏng nhiều nơi trên cơ thể và được xác định bỏng cấp độ 2.
Trước đó, người đàn ông này đã được công ty mua bảo hiểm y tế và 1 loại bảo hiểm phòng trừ tai nạn. Tuy nhiên, trong quá trình ông yêu cầu bồi thường, công ty này từ chối trách nhiệm. Lý do được đưa ra là ông Yang tự gây thương tích nên theo điều khoản miễn trừ của bảo hiểm, công ty không phải trả tiền bảo hiểm.
Sau quá trình làm việc nhưng không đi đến kết quả, ông quyết định kiện đơn vị này ra tòa, yêu cầu thanh toán bảo hiểm khuyết tật do thương tích, bảo hiểm y tế do tai nạn và trợ cấp nhập viện, tổng số tiền là 580.000 NDT (khoảng 2 tỷ đồng).
Trong phiên tòa sơ thẩm tại tòa án quận Ân Thi, Trung Quốc, đại diện luật sư của 2 bên tranh luận vô cùng gay gắt về việc thương tích của ông Yang có phải do ông tự gây ra hay không.
Nguyên đơn là ông Yang cho rằng trong hoàn cảnh đó, ai cũng sẽ lao vào cứu người thân của mình, chứ không phải cố tình bị thương để nhận được tiền đền bù của công ty bảo hiểm.
Bị đơn là công ty bảo hiểm cho rằng việc cứu hỏa là nhiệm vụ của lực lượng chức năng. Việc ông Yang tự ý lao vào đám cháy để cứu vợ con là đang tự gây thương tích cho mình.
Ảnh minh họa
Sau quá trình tranh luận của 2 bên, tòa án cho biết công ty bảo hiểm không đưa ra định nghĩa rõ ràng trong hợp đồng bảo hiểm về cách xử lý thương tích do hành động của một người gây ra. Đặc biệt, trong trường hợp này, ông Yang không hề cố ý gây thương tích, chỉ đang thực hiện nhiệm vụ cứu người.
Hơn nữa, tòa án cũng chỉ ra rằng việc từ chối bồi thường của công ty bảo hiểm là không có tình người, đi ngược lại những đạo lý tốt đẹp mà chính quyền ủng hộ.
Do đó, tòa án sơ thẩm phán quyết công ty bảo hiểm phải bồi thường cho ông Yang số tiền 580.000 NDT.
Không chấp nhận bản án nêu trên, ngay sau đó, công ty bảo hiểm đã nộp đơn kháng cáo lên tòa án cấp cao hơn. Sau khi xem xét, tòa án Trung cấp tỉnh Hồ Bắc cho rằng các tình tiết của bản án sơ thẩm đã rõ ràng nên giữ nguyên phán quyết ban đầu.
Thẩm phán tòa phúc thẩm cho rằng việc dập lửa, cứu người thân là bản năng của mỗi người và đó cũng là nghĩa vụ giải cứu được quy định trong Luật Dân sự Trung Quốc. Chúng ta không thể đơn giản phân loại hành động này tương tự việc tự làm hại bản thân. Luật pháp không nên lạnh lùng và cần có tình người.
Sau khi được chia sẻ, vụ việc nhanh chóng thu hút sự chú ý trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc. Đa số mọi người đều đứng về phía tòa án, đồng thời chỉ trích cách xử lý của công ty bảo hiểm.
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng bình luận rằng việc hiểu rõ về sản phẩm bảo hiểm mà mình đang sở hữu vô cùng quan trọng bởi chỉ có vậy bạn mới có thể bảo vệ được quyền và lợi ích của bản thân một cách tốt nhất. Như trong trường hợp trên, ông Yang là người hiểu rõ các điều khoản trong hợp đồng nên đã kiên quyết đấu tranh đến cùng nhằm lấy được khoản tiền bồi thường từ phía công ty bảo hiểm.
(Theo SCMP)