Hà Nội sắp xây 2 cầu qua sông Hồng, vốn gần 32.000 tỉ đồng

Hà Nội sắp xây 2 cầu qua sông Hồng, vốn gần 32.000 tỉ đồng
Hà Nội sắp xây 2 cầu qua sông Hồng, vốn gần 32.000 tỉ đồng

Dự kiến nửa đầu năm 2025, Hà Nội sẽ khởi công xây dựng 2 cầu qua sông Hồng, tổng mức đầu tư sơ bộ gần 32.000 tỉ đồng.

Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ có 18 cầu vượt sông Hồng để đáp ứng nhu cầu giao thông cũng như kết nối giao thông liên vùng.

Thủ đô Hà Nội được định hướng phát triển thành đô thị hiện đại với một trong những trục không gian trung tâm đặc biệt chạy dọc theo sông Hồng. Để hiện thực hóa định hướng đó, hệ thống cầu vượt sông Hồng có ý nghĩa và vai trò vô cùng quan trọng.

Phát biểu về các nội dung về kinh tế – xã hội được cử tri quan tâm tại kỳ họp HĐND TP Hà Nội hôm 11.12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố đang tập trung phát triển hạ tầng giao thông với kế hoạch xây dựng tổng cộng 18 cây cầu vượt sông.

Hiện tại, đã có 8 cây cầu được đầu tư xây dựng, thành phố dự kiến xây dựng thêm 9 cây cầu mới. Theo kế hoạch, bằng việc áp dụng Luật Thủ đô mới, một số cây cầu quan trọng như cầu Tứ Liên và cầu Ngọc Hồi sẽ được khởi công trong nửa đầu năm 2025.

Phối cảnh cầu Tứ Liên qua sông Hồng nối Tây Hồ và Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Đơn vị thiết kế

Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên đến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên được triển khai theo hợp đồng EPC (thiết kế, mua sắm vật tư, thiết bị, thi công xây dựng).

Bài viết liên quan  Chính phủ thảo luận về chế độ, chính sách với cán bộ dôi dư

Địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối phường Yên Phụ, Tứ Liên (quận Tây Hồ) với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Dự kiến tháng 1.2025, UBND thành phố trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư cầu Tứ Liên được tạm tính là 19.959 tỉ đồng.

Cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công của TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và hỗ trợ của Trung ương.

Theo lộ trình, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội được giao tham mưu, đề xuất thành phố việc tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc cầu chính qua sông Hồng, báo cáo UBND thành phố trong tháng 12.2024.

Trong tháng 1.2025, thành phố trình cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Điểm đầu cầu Ngọc Hồi kết nối với điểm cuối dự án Vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ), điểm cuối nối với Vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 11.700 tỉ đồng, tổng chiều dài khoảng 7,5km, quy mô mặt cắt ngang 80m (riêng đoạn từ đê tả Hồng đến cuối tuyến 60m), tốc độ thiết kế 80 km/h.

Bài viết liên quan  Việt Hương mạnh tay làm điều sốc với Xuân Son, gửi gắm 1 câu nghe rớt nước mắt
Vị trí xây dựng cầu Ngọc Hồi nối huyện Thanh Trì (Hà Nội) với huyện Văn Giang (Hưng Yên). Ảnh: Bản đồ quy hoạch Hà Nội

Như Lao Động đã đưa tin, Hà Nội cũng đang chuẩn bị đầu tư xây dựng Dự án đường Vành đai 3,5 đoạn Phúc La – Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ dài 10km, tổng vốn đầu tư hơn 8.500 tỉ đồng.

Tuyến đường được đầu tư thiết kế với quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc 80 km/h, mặt cắt ngang từ 60-80m.

Công trình dự kiến hoàn thành vào quý IV/2027 giúp giảm ùn tắc giao thông cho tuyến đường Vành đai 3, tăng cường kết nối với cầu Ngọc Hồi và tạo thuận lợi kết nối giao thông liên vùng với các tỉnh phía Đông của Thủ đô Hà Nội.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/giao-thong/ha-noi-sap-xay-2-cau-qua-song-hong-von-gan-32000-ti-dong-1434407.ldo