Bộ Nội vụ nói về chính sách với cán bộ khi tinh gọn bộ máy

Bộ Nội vụ nói về chính sách với cán bộ khi tinh gọn bộ máy
Bộ Nội vụ nói về chính sách với cán bộ khi tinh gọn bộ máy

Theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, Bộ Nội vụ đã hoàn thành Dự thảo Nghị định về chính sách với cán bộ khi tinh gọn bộ máy.

Chính phủ dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh điều này khi trình bày tham luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 diễn ra ngày 16.12, do Ban Tổ chức Trung ương tổ chức.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Chính phủ tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan tổng kết Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương; đề án sáp nhập, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy trong khối Chính phủ. Cùng với việc đó là đồng bộ ban hành rất nhiều văn bản pháp luật liên quan đảm bảo triển khai kịp thời khi tổ chức, sắp xếp bộ máy trong hệ thống Chính phủ.

Toàn cảnh hội nghị ngày 16.12. Ảnh: TTXVN

Về cơ cấu, đến nay Chính phủ dự kiến còn 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc Chính phủ, giảm nhiều bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tương đương.

Bộ Nội vụ là cơ quan tham mưu cũng đang hoàn tất toàn bộ báo cáo đề án liên quan để tham mưu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị vào ngày 25.12.

Cùng với đó triển khai các văn bản hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương về việc sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy trong thẩm quyền. Sắp tới là hướng dẫn liên quan sắp xếp cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND huyện để địa phương có sự chủ động hơn.

Bài viết liên quan  ‘Tiểu tam’ kiện ‘chính thất’ vì nhận 4,2 tỷ đồng nhưng không chịu ly dị chồng

Quan tâm duy trì giữ chân cán bộ tốt, có năng lực

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, liên quan đến chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ đã hoàn thành Dự thảo Nghị định, báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian gần nhất, trong đó đưa các quan điểm và nguyên tắc rất quan trọng.

Một là, làm cuộc cách mạng thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng, đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tổng tương quan chung hợp lý giữa các đối tượng nhằm ổn định cuộc sống, quyền và lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.

Thứ hai là tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích đối tượng nghỉ ngay, nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện sắp xếp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Thứ ba, việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đặc biệt trong đó nhấn mạnh quan tâm duy trì giữ chân cán bộ tốt, có năng lực, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ để không “chảy máu chất xám”.

Bài viết liên quan  4 ƌιḕu cҺa mẹ пȇп ”пҺẫп tȃm” vớι coп cáι, càпg cҺιḕu cҺuộпg tҺì tươпg laι coп càпg tăm tṓι

Đồng bộ với chính sách trên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, hiện nay Bộ Nội vụ cũng đang hoàn thiện chính sách về thu hút, trọng dụng người có tài năng vào khu vực công và cố gắng ban hành vào cuối tháng 12.2024 để tổ chức thực hiện.

Các nội dung khác liên quan cũng đang được Bộ Nội vụ hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai kịp thời, đáp ứng việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo yêu cầu, nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương cũng như Ban chỉ đạo Chính phủ đưa ra.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/thoi-su/bo-noi-vu-noi-ve-chinh-sach-voi-can-bo-khi-tinh-gon-bo-may-1436134.ldo