Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị hạ hạnh kiểm từ năm 2025

Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị hạ hạnh kiểm từ năm 2025
Học sinh vi phạm giao thông sẽ bị hạ hạnh kiểm từ năm 2025

Từ ngày 1.1.2025, theo Nghị định 151/2024/NĐ-CP, hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xếp loại hạnh kiểm. Quy định mới này nhận được sự đồng tình lớn từ phía học sinh, phụ huynh và nhà trường.

Gắn hành động với trách nhiệm cá nhân

Từ ngày 1.1.2025, Nghị định số 151/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định rõ ràng việc chấp hành Luật Giao thông sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại hạnh kiểm học sinh.

Nghị định quy định trách nhiệm của trường trong việc tổ chức cho học sinh, gia đình học sinh ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm các nội dung: Học sinh không điều khiển xe môtô khi chưa đủ điều kiện theo quy định, không điều khiển xe gắn máy khi chưa hoàn thành chương trình hướng dẫn kỹ năng lái xe gắn máy an toàn; gia đình học sinh không giao xe cho học sinh điều khiển khi chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật giao thông cho học sinh.

Em Quốc Hùng – học sinh lớp 10 Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cho rằng, quy định này là rất cần thiết khi thực trạng thanh thiếu niên vi phạm luật giao thông ngày càng nhiều.

Bài viết liên quan  Cảnh tượng tan hoang sau động đất kinh hoàng ở Tây Tạng khiến hơn 200 người thương vong

“Quy định mới sẽ trở thành biện pháp răn đe và kỷ luật cần thiết, giúp học sinh ý thức hơn về trách nhiệm bảo vệ bản thân và người khác khi tham gia giao thông. Quy định này cũng thay đổi suy nghĩ sai lệch của một số bạn cho rằng tuổi còn nhỏ sẽ không phải chịu trách nhiệm khi vi phạm luật giao thông. Em tin sau khi áp dụng, học sinh sẽ chấp hành luật tốt hơn, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông” – em Quốc Hùng cho biết.

Theo đánh giá của nhiều phụ huynh, việc gắn hành vi giao thông với tiêu chuẩn hạnh kiểm sẽ giúp học sinh nhận thức rõ hơn về trách nhiệm cá nhân đối với cộng đồng.

“Quy định này không chỉ có tác dụng giáo dục mà còn là tấm khiên bảo vệ an toàn cho chính học sinh. Hạ hạnh kiểm sẽ ảnh hưởng tới cả quá trình cố gắng của con, vì vậy nhiều cha mẹ sẽ cân nhắc giao phương tiện cũng như thường xuyên nhắc nhở khi con tham gia giao thông. Bản thân gia đình tôi không cho con đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Tôi cũng thường kể cho con nghe những trường hợp tai nạn giao thông do vi phạm giao thông để các con biết sợ, không dám có những hành vi trái pháp luật” – chị Nguyễn Thị Hường – phụ huynh có con học bậc THCS tại tỉnh Bắc Ninh đánh giá.

Bài viết liên quan  Danh tính tài xế vụ ôtô lao vào nhà dân, tông bé gái tử vong

Nhà trường và gia đình cùng chung tay

Về phía giáo viên, cô Trần Thị Thơ – Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) hoàn toàn ủng hộ nghị định mới của Chính phủ. Khi học sinh bị đánh giá hạnh kiểm thấp vì vi phạm luật ATGT sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của học sinh như xét khen thưởng cuối năm, xét hồ sơ chuyển cấp, xét tuyển đại học. Vì vậy, tính răn đe đặc biệt có hiệu quả cao.

Cũng theo cô Thơ, giáo dục học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường là gốc rễ giải quyết vấn đề. Khi học sinh được giáo dục tốt sẽ có hành động đúng đắn, thậm chí ngăn chặn vi phạm của bạn bè.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, cô Đỗ Thị Thu Nga – giáo viên bộ môn Ngữ văn, Trường THPT Tháng 10 (Tuyên Quang) cho hay, nên có những thang phạt rõ ràng cho những hành vi vi phạm Luật Giao thông.

“Với những vi phạm nhỏ, lần đầu vi phạm có thể hạ hạnh kiểm của tháng đó, nếu tiếp tục tái phạm sẽ hạ hạnh kiểm của học kỳ hoặc hạnh kiểm cả năm học. Thậm chí, tôi đề xuất cả mức phạt buộc thôi học nếu tính chất vi phạm đặc biệt nghiêm trọng” – cô Nga đưa ra ý kiến.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/giao-duc/hoc-sinh-vi-pham-giao-thong-se-bi-ha-hanh-kiem-tu-nam-2025-1437306.ldo