Quyết định bỏ việc của một viên chức nhà nước ở tuổi 42

Quyết định bỏ việc của một viên chức nhà nước ở tuổi 42
Quyết định bỏ việc của một viên chức nhà nước ở tuổi 42

Có đến gần 15 năm là viên chức nhà nước, chị Ngô Thị Thúy Hà quyết định nghỉ việc, xin vào làm việc tại một doanh nghiệp tư nhân khi đã 42 tuổi.

Hơn 1 năm nay, làm nhân viên kiểm kho tại công ty kinh doanh dược phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, chị Ngô Thị Thúy Hà đã có cuộc sống ổn định với thu nhập ở mức khá. Bên cạnh đó, chị cũng có nhiều thời gian chăm sóc các con khi công việc chỉ gói gọn trong thời gian ở công ty, không phải đem về nhà làm.

Để thích nghi với môi trường mới khi ngoài 40 tuổi, chị đã phải thay đổi bản thân rất nhiều. Ngoài trau dồi kiến thức chuyên môn, chị Hà cũng học thêm một số kỹ năng khác, trong đó đặc biệt là việc học thuộc tên các loại thuốc.

“Ban đầu khi có suy nghĩ nghỉ việc, tôi đắn đo rất nhiều vấn đề. Với người lao động ở độ tuổi như tôi, liệu có công ty nào chấp nhận tuyển dụng hay không? Môi trường tại doanh nghiệp tư nhân khác với nhà nước thế nào?…” – chị Hà trải lòng về những lo lắng trước khi quyết định nghỉ việc trong môi trường nhà nước.

Để ra quyết định nghỉ việc sau 14 năm 6 tháng là viên chức nhà nước, nữ kế toán sinh năm 1981 cũng “nâng lên, đặt xuống” trong thời gian rất dài.

Bài viết liên quan  Giá vàng nhẫn tiếp tục tăng, nhiều tiệm hết sạch
Đơn xin thôi việc của chị Hà và quyết định cho viên chức thôi việc theo nguyện vọng, chấm dứt hợp đồng làm việc của UBND huyện Lâm Thao. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Hà kể, năm 2009, chị nhận công tác tại một trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Năm 2012, chị hoàn thành việc học đại học và được chuyển ngạch, hưởng mức lương của kế toán trung cấp.

Đến tháng 4.2014, chị nhận quyết định điều chuyển công tác sang Trường THCS thuộc huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và hưởng mức lương khoảng 6,1 triệu đồng/tháng. Chị Hà tâm sự, so với nhiều viên chức là kế toán trường học khác, mức thu nhập này đã được gọi là tạm ổn, dù chị cũng phải tiết kiệm chi tiêu, làm thêm rất nhiều việc.

Đến tháng 8.2023, nữ viên chức lại tiếp tục nhận thông báo điều chuyển công tác sang một trường mầm non khác trên địa bàn huyện Lâm Thao. Từ cân nhắc nhiều yếu tố chị đã quyết định xin nghỉ việc.

“Nhiều người vẫn nghĩ làm nghề này chỉ cần chờ đến cuối tháng nhận tiền, chia lương cho cán bộ, giáo viên, học sinh mà không hiểu được kế toán áp lực đến thế nào” – chị Hà nói và bày tỏ mong muốn những người đồng nghiệp cũ được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về lương và chế độ khác.

Theo chị Hà, dũng cảm “rời bỏ vùng an toàn” là việc nên làm với những cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, ngoài việc có quyết tâm rời đi, bản thân viên chức cũng cần chuẩn bị tâm lý, năng lực chuyên môn và tinh thần học hỏi ngay cả khi không còn trẻ.

Bài viết liên quan  Giá vàng hôm nay 28/11/2024: SJC và nhẫn trơn vọt tăng, có rủi ro 1 cú sụt giảm?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự thảo Nghị định sẽ được báo cáo cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn tới đây.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng nhấn mạnh các cơ chế, chính sách sẽ tập trung ưu tiên đặc biệt, nổi trội để khuyến khích các đối tượng nghỉ ngay và nghỉ trong 12 tháng kể từ khi cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp, tinh gọn.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/thoi-su/quyet-dinh-bo-viec-cua-mot-vien-chuc-nha-nuoc-o-tuoi-42-1438271.ldo