Cuối năm, dù nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao nhưng chợ truyền thống vẫn thưa thớt khách do cạnh tranh gay gắt từ các sàn thương mại điện tử.
Chợ truyền thống bị cạnh tranh gay gắt
Theo ghi nhận của PV Lao Động những ngày cuối năm tại các khu chợ truyền thống ở Hà Nội, lượng khách hàng đến mua khá thưa thớt. Theo các tiểu thương tại chợ, hiện nay, nhiều khách hàng lựa chọn mua hàng trên các sàn thương mại điện tử vì chỉ cần ngồi nhà vẫn có thể lựa chọn nhiều mẫu mã đa dạng. Thậm chí, có nhiều ưu đãi nên giá có thể rẻ hơn đi mua trực tiếp.
Bắt đầu kinh doanh quần áo tại chợ Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) từ năm 2019, chị Nguyễn Thu Hương cho biết, thị trường bán lẻ truyền thống đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ làn sóng mua sắm online, đặc biệt trong lĩnh vực thời trang.
“Hiện nay, hầu hết mọi người đều chọn mua sắm quần áo trên mạng. Một số khách hàng của tôi thường so sánh giá cả trên đó, khiến giá bán trực tiếp khó có thể cao hơn. Số lượng khách hàng năm nay giảm nhiều so với những năm trước.
Hiện tại, khách hàng của tôi chủ yếu là các cô, các bác trung niên và những người dân xung quanh khu vực Ngọc Khánh; chỉ những ai cần mua sắm gấp mới ghé qua quầy để xem sản phẩm trực tiếp” – chị Hương chia sẻ.
Đối với các mặt hàng quà Tết, bánh và mứt, nhiều tiểu thương đã chuẩn bị và nhập hàng với số lượng khá ổn định.
Ông Đỗ Anh Tuấn – tiểu thương kinh doanh bánh kẹo tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Hiện nay, nhiều người tiêu dùng ưa chuộng quà Tết và bánh kẹo có mẫu mã hiện đại hơn, thường xuất hiện tại các siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Do vậy, lượng hàng hóa năm nay của cửa hàng tôi chỉ phục vụ cho khách hàng quen thuộc và người tiêu dùng ở địa phương. Doanh thu có thể sẽ chỉ nhỉnh hơn một chút so với năm ngoái, về cơ bản vẫn giữ ổn định”.
Thay đổi để thích nghi
Mặc dù các siêu thị và sàn thương mại điện tử mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, chợ truyền thống vẫn tiếp tục tồn tại và phát huy những thế mạnh mà các loại hình khác khó có thể cạnh tranh.
Trao đổi với PV Lao Động, TS. Nguyễn Minh Phong – chuyên gia kinh tế – đánh giá, chợ truyền thống vẫn ưu thế về giá cả và độ tươi ngon của thực phẩm.
“Chợ truyền thống có thế mạnh về đa dạng mặt hàng và đa dạng đối tượng khách hàng. Đây không chỉ là nơi mà người dân được mua sắm và trải nghiệm trực tiếp mà còn là nếp sống của một số người tiêu dùng. Chợ truyền thống giúp cho người dân được giao lưu tình cảm, tương tác xã hội, văn hóa chứ không chỉ điểm bán sỉ – lẻ đơn thuần” – TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
Để thích ứng với thời đại mua sắm online, chợ truyền thống cần có những thay đổi nhất định. Nhiều tiểu thương đã bắt kịp xu hướng bằng cách thiết lập các mô hình đại lý kết hợp công nghệ hiện đại, kết hợp giữa mua sắm online và truyền thống.
Anh Trần Quang Sơn – tiểu thương tại Cầu Giấy – cho biết, thời điểm cận Tết, nhiều cửa hàng nhỏ thường đặt hàng số lượng lớn. Để tránh tình trạng quá tải khi khách đến nhập hàng trực tiếp, anh đã triển khai dịch vụ đặt hàng qua điện thoại và giao tận nơi. Việc áp dụng các dịch vụ này đã giúp quản lý hàng hóa và đơn hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Theo chuyên gia, để mở rộng lựa chọn cho khách hàng và tăng cường khả năng tiếp cận cho doanh nghiệp, chợ truyền thống cần tích hợp các hoạt động thương mại điện tử, nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến cho tiểu thương, hiện đại hóa cơ sở vật chất và phát triển thành điểm đến tham quan, mua sắm du lịch.
Nếu có thể thực hiện những điều này, sức sống của chợ truyền thống sẽ được duy trì và phát triển bền vững song song với các kênh thương mại điện tử.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/thi-truong/cho-truyen-thong-chat-vat-canh-tranh-voi-thuong-mai-dien-tu-1440320.ldo