Nếu như là cha mẹ, bạn đã cố gắng dành hết những điều tốt đẹp cho con nhưng vẫn bị con trách móc, thậm chí là oán hận, bạn sẽ cảm thấy như thế nào
Câu hỏi đầy tính chất suy ngẫm này được lấy từ một video phỏng vấn của một blogger người Trung Quốc tên Toàn Hí Hí. Được biết, blogger này tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh.
Trong video, cô mời một người mẹ tên Huyền Sa (67 tuổi) và con gái Nhất Ti (39 tuổi) cùng tham gia. Cuộc phỏng vấn xoay quanh mối quan hệ giữa hai mẹ con suốt 39 năm, với những suy nghĩ và cảm xúc chân thật về nhau.
Kết quả thật bất ngờ: Một số biểu hiện tình yêu của mẹ trong mắt con lại bị hiểu thành “mẹ rất ích kỷ”; trong khi những điều con cho là sai lầm của mẹ lại bị mẹ nhìn nhận là “hoàn toàn vô lý”.
Đến nay, hai mẹ con không thể ở chung quá 3 ngày mà không xảy ra mâu thuẫn. Những chia sẻ trong video đã phơi bày sự lệch lạc thường gặp trong các mối quan hệ cha mẹ – con cái, đồng thời mang đến 3 bài học quý giá cho mọi bậc phụ huynh.
Từ trái sang: Cô con gái Nhất Ti – Blogger Toàn Hí Hí – người mẹ Huyền Sa
1. Mối quan hệ cha mẹ – con cái giống như hai chú nhím
Muốn ôm nhau thật chặt, trước tiên phải gỡ bỏ những chiếc gai!
Huyền Sa đã mua một căn nhà ở quê và ghi tên con gái Nhất Ti vào sổ đỏ. Bà nghĩ rằng mình đang làm điều tốt cho con, nhưng Nhất Ti lại trách mẹ đến mức 5 năm không về nhà.
Trong mắt Huyền Sa, đây đơn giản là sự không hiểu chuyện của Nhất Ti. Bà bỏ tiền ra, con gái có được một căn nhà miễn phí, chẳng lẽ đó không phải là điều tốt? Nhưng khi biết chuyện, Nhất Ti lại khóc lóc trách móc mẹ “ích kỷ” và ném các giấy tờ liên quan xuống đất.
Lắng nghe từ góc nhìn của Nhất Ti, chúng ta mới hiểu rõ câu chuyện: Hóa ra, Nhất Ti đã sống ở Bắc Kinh trong thời gian dài và lên kế hoạch mua nhà ở đây, vì cô có thể hưởng ưu đãi mua nhà lần đầu. Cô đã gần đủ tiền đặt cọc.
Việc mẹ mua nhà ở quê lại chiếm mất ưu đãi mua nhà đầu tiên của cô, khiến cô phải trả nhiều tiền hơn nếu mua nhà ở Bắc Kinh – điều mà cô không đủ khả năng chi trả.
Hơn nữa, Nhất Ti cảm thấy mẹ mua nhà mà không hỏi ý kiến cô, mặc dù nói là mua cho cô nhưng thực tế lại muốn tận dụng ưu đãi của cô để mua một căn nhà lớn hơn cho mẹ sống.
Câu chuyện này cho thấy mẹ có lý của mẹ, con có lý của con. Hai người cứ trách móc nhau, mãi đến cuộc trò chuyện này mới nhận ra rằng họ chỉ có cách suy nghĩ khác nhau, chứ không cố ý làm tổn thương hay gây khó dễ cho nhau.
Mấu chốt của hiểu lầm kéo dài nhiều năm nằm ở cách xử lý mạnh mẽ của Huyền Sa: Tự ý đặt cọc, sau đó thông báo quyết định cho con mà không để con có quyền lựa chọn; khi con phản đối, bà lại cho rằng con bất hiếu, không hiểu chuyện.
Nhất Ti thừa nhận rằng cô rất tổn thương vì chuyện này và 5 năm không gặp mẹ. Nhưng trong lòng cô không thực sự trách móc mẹ, chỉ cảm thấy mẹ quá cứng rắn và không biết làm thế nào để tiếp tục mối quan hệ.
Mối quan hệ ruột thịt cũng cần vun đắp mỗi ngày, muốn yêu thương trước hết phải thấu hiểu, ảnh: SD
2. Một lời phủ nhận, cả đời tổn thương
Sự bất đồng giữa Huyền Sa và Nhất Ti không chỉ đến từ việc mua nhà mà còn từ những lần phủ nhận trong quá khứ.
Huyền Sa là một người phụ nữ độc lập. Khi Nhất Ti học trung học, bà từ bỏ công việc dạy học đã gắn bó 15 năm để ra ngoài bán quần áo. Bà mong con gái có thể đến giúp mình sau giờ học, nhưng Nhất Ti hầu như không bao giờ đến, điều này khiến bà cảm thấy thất vọng.
Tuy nhiên, từ góc nhìn của Nhất Ti, mỗi lần cô đến cửa hàng giúp mẹ, mẹ đều phủ nhận những gì cô làm. Quét nhà, mẹ bảo quét không đúng cách. Sắp xếp quần áo, mẹ nói không nên làm như thế. Tiếp khách, mẹ bảo cô không nên nói như vậy với khách.
Điều này khiến Nhất Ti nghĩ: “Tại sao tôi phải đến một nơi mà dù cố gắng đến đâu cũng không được công nhận?”.
Hệ quả của việc liên tục bị phủ nhận là Nhất Ti không còn muốn tham gia vào bất kỳ việc gì liên quan đến mẹ.
Nghiên cứu tâm lý học chỉ ra rằng: Những đứa trẻ thường xuyên bị phủ nhận, chỉ trích, hoặc chịu ngôn ngữ tiêu cực sẽ có nguy cơ trầm cảm cao hơn.
Sự không được công nhận khiến con cái dành cả đời để tìm kiếm sự chữa lành, họ cần được khuyến khích để thực hiện những lựa chọn tự do và xây dựng bản thân.
3. Đừng để tình yêu ẩn mình trong kỳ vọng
Mối quan hệ giữa Huyền Sa và Nhất Ti là sự mâu thuẫn giữa yêu thương và cảm giác không được yêu.
Huyền Sa muốn Nhất Ti trở thành một người độc lập và mạnh mẽ giống mình, nhưng điều Nhất Ti mong đợi là vòng tay ấm áp của mẹ.
Sự kỳ vọng đơn phương của cha mẹ, nếu không dựa trên ý nguyện của con, sẽ biến thành áp lực lớn. Điều này dễ dàng dẫn đến những cảm xúc tiêu cực, khiến con cái cảm thấy mệt mỏi mỗi khi giao tiếp với cha mẹ.
Tình yêu thực sự không nằm trong sự kiểm soát, mà là sự chấp nhận và thấu hiểu.
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái không phải là câu chuyện đúng sai, mà là sự thấu hiểu và cảm thông. Chỉ khi cha mẹ chấp nhận rằng con cái có thể khác biệt và tôn trọng ý kiến của chúng, thì tình yêu mới có thể trở thành nguồn động lực thay vì áp lực.a
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/ngam-chuyen-doi/mua-nha-cho-con-gai-nguoi-me-khong-ngo-bi-con-oan-han-suot-5-nam