Đại biểu kiến nghị trong báo cáo đánh giá tiền khả thi phải dự báo trước nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp khắc phục vướng mắc của dự án.
Sáng 13.11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Văn Quân (Đoàn Hậu Giang) cho biết báo cáo của Chính phủ cần đánh giá, làm rõ thêm những hạn chế, dự báo được hạn chế khó khăn khi triển khai dự án này.
“Trong báo cáo tiền khả thi, các đánh giá tác động không thấy rõ những hạn chế khó khăn, chưa dự báo được khó khăn. Trong báo cáo có quy định một số chính sách đặc thù nhưng đồng bộ chưa thì chưa đánh giá rõ” – đại biểu Nguyễn Văn Quân nói rõ.
Tiếp đó là khó khăn trong giải phóng mặt bằng, công nghệ. “Chúng ta thực hiện dự án này 10 năm thì công nghệ đến thời điểm đó như thế nào. Rồi vốn, việc đội vốn, giá, trượt giá, khó khăn về tiến độ ra sao” – đại biểu này đặt câu hỏi.
Một vấn đề nữa trong báo cáo tiền khả thi cho thấy đến năm 2035 cơ bản là hoàn thành. Vị đại biểu này thắc mắc tại sao dùng từ cơ bản, phải khẳng định là hoàn thành, chứ 10 năm sau mà nói cơ bản hoàn thành là không chấp nhận được.
Qua theo dõi các công trình trọng điểm quốc gia, công trình lớn hầu như là trễ tiến độ, điều chỉnh tăng vốn, điều chỉnh tiến độ về thời gian hay điều chỉnh thiết kế. Trong đó sân bay Long Thành là một ví dụ.
“Hầu như các công trình trọng điểm quốc gia đều bị vướng và còn tồn tại nhiều khó khăn. Trong khi dự án lúc đầu trình báo cáo tiền khả thi, báo cáo khả thi thì chúng ta toàn thấy màu hồng.
Báo cáo dự án Chính phủ trình Quốc hội toàn màu hồng, tuy nhiên khi triển khai thì vướng hàng loạt cơ chế chính sách, vốn, quy trình, công nghệ…” – đại biểu Nguyễn Văn Quân nhấn mạnh.
Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị trong các báo cáo đánh giá tiền khả thi phải dự báo được hạn chế nguyên nhân khách quan, chủ quan để đại biểu nắm rõ. Khi dự báo trước, lường trước được khó khăn vướng mắc thì sẽ có những giải pháp để khắc phục.
“10 công trình thì 9 công trình bị vướng, khó khăn như chậm tiến độ, đội vốn, điều chỉnh dự án” – đại biểu khẳng định.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Quân, trong quá trình triển khai thực hiện cũng phải ràng buộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.
Cùng vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) cho biết, nếu chúng ta quyết tâm thực hiện thì đây là công trình mang tính biểu tượng của thế kỷ. Tuy nhiên, khi triển khai phải tính được hiệu quả của dự án. Đây là một dự án chưa có tiền lệ khi lần đầu tiên chúng ta nghiên cứu áp dụng công nghệ đường sắt cao tốc, chính vì vậy cần phải đặt ra đòi hỏi về tính công nghệ.
“Chúng ta phải bắt kịp được xu hướng của thế giới, phải tiên tiến, dù 50 năm nữa cũng không lỗi thời” – đại biểu Nguyễn Thị Xuân nêu.
Trong báo cáo Chính phủ đưa ra tương lai rất sáng sủa, hứa hẹn nhiều viễn cảnh tốt khi triển khai dự án. Thực tế chúng ta triển khai nhiều dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc Nam, dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn vướng về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư, giải phóng mặt bằng… dẫn đến ảnh hưởng tiến độ.
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu và xem xét thận trọng chọn nhà thầu, nhà đầu tư, rút kinh nghiệm một số dự án chọn nhà đầu tư không đảm bảo, không đủ năng lực ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/thoi-su/bao-cao-du-an-trinh-quoc-hoi-toan-mau-hong-1420892.ldo