Bị hại vụ TikToker Mr Pips lừa đảo có lấy lại được tài sản?

Bị hại vụ TikToker Mr Pips lừa đảo có lấy lại được tài sản?
Bị hại vụ TikToker Mr Pips lừa đảo có lấy lại được tài sản?

Cơ quan cảnh sát điều tra xác định, đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 2.661 bị hại trong vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips và đồng phạm.

Hơn 2.600 bị hại, tài sản lừa đảo ước tính hơn 5.200 tỉ đồng

Sau quá trình điều tra, Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (hay còn được biết là TikToker Mr Pips, SN 1990, trú tại Bà Rịa – Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại Hà Nội) và 24 người khác về các tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “không tố giác tội phạm” và “rửa tiền”.

Đến nay, Công an thành phố đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc; thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

“Số bị hại, số tiền ở trên chỉ là số liệu ban đầu chúng tôi khai thác từ một phần các máy tính mà nhóm đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Hiện chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra”, Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội thông tin

Đối tượng Phó Đức Nam – hay còn được biết là TikToker Mr Pips tại cơ quan công an. Ảnh: Công an cung cấp

Theo cơ quan điều tra, hoạt động đầu tư ngoại hối trên các sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, trực tuyến hiện chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Thời gian qua, cơ quan chức năng đã khuyến cáo, tuyên truyền rất nhiều về vấn đề này nhưng nhiều người dân, nhà đầu tư thiếu hiểu biết, tiếp tục dính vào “bẫy” của các đối tượng lừa đảo.

Bài viết liên quan  Va chạm giao thông giữa xe máy và ô tô khiến 1 người t.ử von.g

Trong vụ việc trên, các đối tượng đã tạo lập, quản lý 5 trang mạng có giao diện tiếng Anh để người tham gia hiểu lầm là giao dịch trên các sàn quốc tế, có uy tín, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Các trang mạng này về bản chất đều đã được lập trình, gắn với các tài khoản ngân hàng của các đối tượng quản lý; mỗi sàn giao dịch đều được kết nối với ứng dụng Meta Trader 4, Meta Trader 5 là nền tảng giao dịch ngoại hối, chứng khoán phổ biến trên thế giới hiện nay.

Ban đầu, các đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, “có lãi” và rút tiền được, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để hướng dẫn, thúc đẩy khách hàng nâng vốn giao dịch.

Khi khách hàng giao dịch thua lỗ, thậm chí thua hết tiền trong tài khoản (các đối tượng gọi là “cháy” tài khoản) thì các đối tượng cung cấp các thông tin sai sự thật để khách hàng tiếp tục có niềm tin, chuyển thêm tiền để “gỡ”. Đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng chặn liên lạc, chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

Bị hại có thể lấy lại được tài sản?

Liên quan đến vụ việc trên, hiện Công an TP Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra, đồng thời yêu cầu đối tượng Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) ra đầu thú, nộp lại tài sản đã lừa đảo chiếm đoạt để hưởng khoan hồng.

Bài viết liên quan  Chứng kiến vợ tiếc rẻ với bố đẻ 500 nghìn, chồng lập tức làm điều này khiến vợ sững sờ, ‘đứng hình’ trong sợ hãi
Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội. Ảnh: Tô Thế

Về phía bị hại, Công an TP Hà Nội yêu cầu người dân, nhà đầu tư đã đầu tư vào các web, sàn giao dịch ngoại hối, chứng khoán trong đường dây của Phó Đức Nam và các đồng phạm thì liên hệ với Phòng Cảnh sát hình sự của Công an các địa phương để trình báo hoặc đến trực tiếp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội.

“Khi chúng tôi điều tra chứng minh đó là tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt thì đương nhiên tài sản đó sẽ được trả lại cho bị hại”, Thượng tá Cao Văn Thái, Đội trưởng Đội trọng án Công an TP Hà Nội thông tin.

Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội (địa chỉ: 90 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Hà Nội; đường dây nóng: 0886.882.338)

Nguồn: https://amp.laodong.vn/phap-luat/bi-hai-vu-tiktoker-mr-pips-lua-dao-co-lay-lai-duoc-tai-san-1433359.ldo