Cầu bộ hành vượt sông gần 1.000 tỷ đồng của Việt Nam, được chuyên gia Nhật đánh giá là ‘rất khó và chưa từng có trên thế giới’

Cầu bộ hành vượt sông gần 1.000 tỷ đồng của Việt Nam, được chuyên gia Nhật đánh giá là ‘rất khó và chưa từng có trên thế giới’
Cầu bộ hành vượt sông gần 1.000 tỷ đồng của Việt Nam, được chuyên gia Nhật đánh giá là ‘rất khó và chưa từng có trên thế giới’

Cây cầu với thiết kế vòm thép hình lá dừa nước, bố trí thác nước tuần hoàn, chiếu sáng mỹ thuật… được kỳ vọng trở thành công trình có một không hai tại TP. HCM.

Chiều ngày 17/12, Công ty Cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood chính thức ký kết hợp đồng với liên danh CKJVN – CHODAI – NIWA (bao gồm Công ty TNHH Chodai & Kiso-Jiban Việt Nam, Công ty TNHH Chodai và Công ty TNHH Kiến trúc Niwa) để thực hiện gói thầu “Tư vấn khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công dự án xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn”.

Đây là bước quyết định trong quá trình triển khai xây dựng cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (nối Quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm).


Theo thỏa thuận, liên danh CKJVN – CHODAI – NIWA sẽ tư vấn khảo sát, lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công (bao gồm lập mô hình thông tin xây dựng – BIM) và cắm cọc GPMB, mốc lộ giới. Nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho thiết kế công trình, liên danh CKJVN – CHODAI – NIWA sẽ thực hiện “thí nghiệm hầm gió” tại một đơn vị uy tín ở châu Âu hoặc Mỹ.


Kiến trúc sư trưởng Niwa Takashi cho biết, thiết kế của cây cầu lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc lá dừa nước, mềm mại trôi trên sông Sài Gòn. Ông nhấn mạnh:

“Vào ban đêm, cây cầu trở thành không gian trải nghiệm ánh sáng, tạo nên biểu tượng đặc trưng của cảnh quan đô thị”, ông Niwa nói và kỳ vọng cây cầu sẽ thúc đẩy TP. HCM trở thành một đô thị xanh, thân thiện với môi trường.

Bài viết liên quan  Bố mẹ vợ cho đất nhưng con rể nhất quyết không lấy, lý do anh ta đưa ra khiến vợ uất nghẹn muốn ly hôn

Kỹ sư trưởng Kudo Hiroshi (Công ty TNHH Chodai – Nhật Bản), người phụ trách chính cho thiết kế bản vẽ thi công cho biết cầu bắc qua sông Sài Gòn là công trình đẹp và độc đáo, tuy nhiên cũng đầy thách thức vì thiết kế chưa từng có trên thế giới.

“Cây cầu này là một công trình đẹp nhưng rất khó làm, chưa từng có ở đâu trên thế giới. Do đó việc thực hiện thực sự là thách thức với chúng tôi. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực hiện các cây cầu nhịp lớn tại Nhật Bản và các nước trên thế giới, đồng thời hiểu rõ tâm huyết của Nutifood, chúng tôi mong muốn được chung tay để tạo nên một công trình có một không hai cho TP. HCM”, ông Kudo Hiroshi nói.

Cầu đi bộ có mái che hình lá dừa nước mềm mại. Ảnh: Liên danh tư vấn
Công trình có thiết kế mái vòm bằng thép dạng gân lá hình mạng lông chim, được đánh giá giúp mặt cầu thông thoáng, mở tầm nhìn cho người đi bộ bên trên công trình. Đồng thời, các hệ cột trên mặt cầu được lược đi nên tầm nhìn người đi bộ trên cầu sẽ thông thoáng.

Trên mặt cầu bố trí ghế ngồi, thùng rác, lan can ngăn cách lối cho người đứng ngắm cảnh và đường đi chung, có thể cho xe đạp di chuyển qua cầu.

Trước đó, vào đầu tháng 10, UBND TP. HCM đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn, nối Quận 1 và Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

Bài viết liên quan  Thoa thứ пày lên dao, cùn mấy cũng thành sắc lẹm, sáng bóng, không cần dùng đá mài

Cầu đi bộ vượt sông Sài Gòn sẽ bắt đầu từ công viên Bến Bạch Đằng (Quận 1) và kết thúc tại khu vực công viên bờ sông, giáp với đường Nguyễn Thiện Thành thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức).

Với tổng chiều dài khoảng 261m, cầu có nhịp chính vòm treo dây văng dài 187m, dầm thép, và mặt cắt ngang thay đổi từ 7 đến 11m. Cầu được thiết kế với khổ thông thuyền là 80m x 10m, đảm bảo không gian thông thoáng cho giao thông thủy qua lại.

Phía Quận 1, cầu dẫn và ram dốc dài khoảng 285m, rộng 6m, sử dụng dầm bê tông cốt thép. Bên phía TP. Thủ Đức, cầu dẫn và ram dốc có hai nhánh: nhánh 1 dài 290m, rộng 6m, nhánh 2 dài 165m, đều sử dụng kết hợp dầm thép và bê tông cốt thép.

Dự kiến, cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn sẽ được Nutifood tiến hành lễ khởi công chính thức vào ngày 30/4/2025; hoàn thành, nghiệm thu vào giai đoạn 2026 – 2027.