Nhiều hộ dân tại các khu vực ngập úng phải tìm đủ mọi cách để chống ngập vào thời điểm TPHCM “mùa nước nổi”.
Ai cũng tưởng “mùa nước nổi” chỉ có ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng nay lại trở nên rất bình thường ở TPHCM. Cứ mỗi khi triều cường, người dân lại phải đối phó với nạn ngập lụt.
TPHCM “mùa nước nổi” là lúc mà nhiều khu vực bị ngập trong nước, giao thông ùn tắc, xe cộ bị hỏng máy nằm la liệt. Người đi làm không về nhà được vì bị nước cầm chân, đảo lộn đời sống, sinh hoạt.
Có rất nhiều nhà, gia chủ phải tự tìm kiếm các loại dụng cụ để “làm đập” ngăn nước vào nhà, mà ngăn sao được nước. Nhiều chủ nhà cho biết, nước vào nhà ngâm lâu, đồ đạc hư hỏng. Chưa kể, phải thức suốt đêm để tát nước. Chị Đỗ Xuân Mai (ở quận 8) chia sẻ với phóng viên Lao Động: “Năm rồi nước lên hư tủ lạnh, năm nay lại hư thêm chiếc xe khiến gia đình tôi chật vật vô cùng. Gia đình tôi đang mua trả góp tủ lạnh mới, sợ nước tràn vào nhà gây hư hỏng nữa nên buộc xây bậc cao lên để kê tủ lạnh”.
Ngoài chuyện phải đối phó với triều cường, ngập lụt còn gây ảnh hưởng đến công việc buôn bán của nhiều hộ dân. Cửa tiệm phải tạm đóng cửa, tìm cách bảo quản hàng hóa. Ngay cả mở cửa thì cũng không ai mua vì đường bị ngập. Còn những người buôn bán trên đường phố, mưu sinh hằng ngày thì mất thu nhập, cuộc sống thêm khó khăn.
Theo dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ ngày 17.11, đỉnh triều cao nhất ngày ở mức xấp xỉ hoặc trên mức báo động 1 sẽ duy trì đến hết ngày 21.11. Nhưng kết thúc đợt này có thể sẽ còn đợt khác, người dân vẫn phải luôn sẵn sàng tìm cách sống chung với ngập lụt.
Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long có cá linh và bông điên điển, còn “mùa nước nổi” ở TPHCM là những dòng nước thối, dơ bẩn, ô nhiễm và đặc biệt là rác. Nước lên tới đâu rác lên tới đó. Nước là “bản cáo trạng” vạch hết các tồn tại về ô nhiễm môi trường và nạn xả rác ở thành phố này.
Nước ô nhiễm, dơ bẩn ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đây là điều rất quan trọng cần phải được quan tâm, không thể để tình trạng ngập lụt kéo dài.
Quan tâm không phải là chuyện sẻ chia “tình cảm” mà bằng hành động của chính quyền.
Đó là triển khai cho bằng được dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng. Người dân mong chờ từng ngày, không chỉ là chuyện lãng phí tiền của, mà còn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sức khỏe của hàng vạn con người.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/su-kien-binh-luan/du-an-chong-ngap-10000-ti-bi-tac-va-tphcm-mua-nuoc-noi-1422904.ldo