Là một trong những dự án bị Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điểm tên, dự án chống ngập do triều cường gần 10.000 tỉ đồng tại TPHCM dù đạt 93% khối lượng, nhưng lại “đắp chiếu” nhiều năm, khiến lãi vay phát sinh hằng ngày hơn 1,7 tỉ đồng.
Mỗi ngày lãi vay phát sinh 1,73 tỉ đồng
Đầu tháng 11, công trường cống Tân Thuận – một hạng mục quan trọng của dự án, nằm tại quận 4 và quận 7 – chìm trong cảnh vắng lặng. Dù đã đạt 93% tiến độ, nhưng hoạt động thi công đã dừng. Năm cống khác gồm Bến Nghé, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô và Phú Định cũng trong tình trạng tương tự, với mức hoàn thành từ 86-97%.
Trong khi đó, người dân tại đường Trần Xuân Soạn (quận 7) mỗi khi nước triều dâng vào đầu tháng âm lịch hoặc ngày rằm lại chịu cảnh ngập úng. Chị Mai Thị Oanh (45 tuổi) – một người dân buôn bán trên con đường này, cho biết, nhà chị gần như bị ngập hai lần mỗi tháng, nước tràn vào kéo dài vài ngày. Chị Oanh và nhiều người dân ở đây đã quen dần với cảnh ngập, phải nâng nền nhà hoặc lắp máy bơm nước để đối phó. Khi được hỏi về dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng, chị Oanh cho biết, mọi người dường như đã quên mất công trình này, cũng như không trông mong gì nữa.
Khởi công từ năm 2016, dự án này được thiết kế để kiểm soát tình trạng ngập cho khu vực rộng 570km² với dân số khoảng 6,5 triệu người, bao gồm các khu vực dọc sông Sài Gòn và trung tâm TPHCM. Kế hoạch hoàn thành năm 2018, nhưng đến nay công trình vẫn dang dở, còn tình trạng ngập úng ngày càng nghiêm trọng tại quận 7, huyện Nhà Bè.
Mỗi ngày trôi qua, số tiền lãi phải trả càng tăng
Theo Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam – nhà đầu tư dự án, trong 8 năm qua, dự án đã phải tạm dừng thi công ba lần với tổng thời gian 66 tháng, trong đó đợt dừng gần nhất kéo dài từ ngày 15.11.2020 đến nay (khoảng 48 tháng). Việc này làm phát sinh lớn chi phí, trong đó chỉ riêng lãi vay mỗi ngày hơn 1,7 tỉ đồng. Qua tính toán, lãi vay và các chi phí phát sinh khác làm tổng mức đầu tư của dự án đã tăng lên hơn 14.000 tỉ đồng (theo tiến độ dự kiến hoàn thành cuối năm 2025).
Nhà đầu tư cảnh báo, nếu các thủ tục điều chỉnh đầu tư không được tiến hành sớm, sau khi nguồn vốn được giải quyết, thời gian hoàn thành dự án có thể mất thêm 28 tháng (bao gồm 12 tháng xử lý thủ tục, 4 tháng đàm phán phụ lục hợp đồng và 12 tháng thi công nốt phần còn lại). Với mỗi ngày trôi qua, số tiền lãi phải trả càng tăng, dự kiến phát sinh thêm 845 tỉ đồng cho 16 tháng làm thủ tục.
Vì chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự án chưa thể nghiệm thu, dẫn đến việc UBND TPHCM không thể thanh toán cho nhà đầu tư. Hệ quả là nhà đầu tư không có nguồn vốn trả nợ và tiếp tục triển khai thi công. Hiện tiến độ chung của dự án đã đạt 93%, nhưng việc đình trệ đã đẩy gánh nặng tài chính lên cao.
Trước tình hình này, UBND TPHCM đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư và thời gian thực hiện dự án. Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh này mất thời gian nên thành phố kiến nghị điều chỉnh phương thức thanh toán trong hợp đồng song song với điều chỉnh tổng thể dự án.
Trước mắt, UBND TPHCM sẽ làm thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để ký phụ lục hợp đồng BT, qua đó thay đổi phương thức thanh toán và giảm phần nào chi phí lãi vay phát sinh. Phương án này không chỉ giúp giảm lãi vay mà còn là cơ sở để thành phố thanh toán bằng quỹ đất, giải quyết nguồn vốn cho nhà đầu tư để sớm hoàn thiện công trình.
TS Phạm Viết Thuận – Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM – nhận định, sự chậm trễ của dự án không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của hàng triệu người dân mà còn để lại tổn thất nặng nề cho ngân sách thành phố.
Theo ông, dự án này kéo dài qua nhiều giai đoạn với các quy định thay đổi liên tục, khiến nhiều điều khoản trong hợp đồng cũ không còn phù hợp với pháp lý hiện hành. Ông Thuận cho rằng, việc điều chỉnh dự án là giải pháp tối ưu trong bối cảnh hiện nay. “Dù có thể mất thêm thời gian, nhưng nếu điều chỉnh chặt chẽ về mặt pháp lý, dự án sẽ tránh được những trở ngại pháp lý trong tương lai” – ông Thuận nói.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/du-an-ngan-trieu-nam-im-lai-vay-phat-sinh-17-ti-dong-moi-ngay-1421103.ldo