Ghi hình ảnh vi phạm giao thông không phải là nghề

Ghi hình ảnh vi phạm giao thông không phải là nghề
Ghi hình ảnh vi phạm giao thông không phải là nghề

Việc hỗ trợ ghi lại hình ảnh vi phạm giao thông nhằm mục đích huy động sự tham gia của toàn dân để xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn, chứ không phải để biến thành một nghề kiếm tiền.

Nghị định số 176/2024 có quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của một vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính và tối đa là không quá 5.000.000 đồng/vụ, việc.

Sau khi Nghị định số 176/2024 được thực hiện, một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin sai lệch rằng người dân có thể coi việc ghi hình vi phạm giao thông như một nghề kiếm tiền. Đây là cách hiểu không đúng và không phù hợp với mục tiêu của nghị định.

Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội dùng camera ghi hình người vi phạm. Ảnh: Tô Thế

Một số cá nhân đã đăng tải thông tin sai lệch, gây hiểu nhầm và bức xúc trong dư luận. Tại cuộc họp tổng kết ngày 3.1.2025, Phòng Cảnh sát giao thông TP Hà Nội cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã xử lý 2.609 trường hợp vi phạm giao thông nhờ thông tin do người dân cung cấp, thu phạt tổng cộng 2,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, một số trang mạng xã hội đã cắt ghép và thổi phồng sự việc, lan truyền thông tin không chính xác rằng “một thanh niên ở Hà Nội thu về 50 triệu đồng chỉ sau 1 ngày tố giác vi phạm giao thông”. Đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Bài viết liên quan  Thứ ở con lợn bị chê “bẩn” hay đổ đi: Hóa ra là “thầ n dược” lượng sắt cao gấp 10 lần thị t

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trước khi Nghị định số 176/2024 ban hành, tình trạng người dân không chấp hành luật vi phạm giao thông quá nhiều. Do đó, khi Nghị định số 176/2024 ra đời một số người đã lầm tưởng coi đây là một nghề và là cơ hội để kiếm tiền từ những vi phạm giao thông. Quy định đi vào thực tế với các mức phạt nghiêm minh sẽ nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, từ đó giảm đáng kể các hành vi vi phạm.

Theo các chuyên gia giao thông, hiện ở một số nước việc người dân chụp ảnh, quay phim ghi lại vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội gửi đến cơ quan chức năng đã có, nhưng nó không được coi là nghề. Vì nghề là công việc phải tạo ra được thu nhập hàng ngày, ai là người trả lương và công việc có đảm bảo đúng quy định hay không, chứ không phải là hiện tượng. Khi người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật thì các vi phạm sẽ giảm.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS. Khương Kim Tạo – nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, việc một số người có ý tưởng đi ghi nhận mỗi ngày vài chục vụ vi phạm để nhận thưởng là “đếm cua trong hang, đếm gỗ trong rừng”, vì còn nhiều điều kiện liên quan để được lĩnh thưởng như máy quay đã đảm bảo chất lượng chưa và người quay như thế nào có đảm bảo an toàn giao thông không…

Bài viết liên quan  Người mua vàng lỗ liên tiếp

Cùng đó, nếu 1 người vi phạm giao thông nhưng nhiều người chụp ảnh, ghi hình đều được nhận thưởng là điều phi lý. Để xác định lỗi vi phạm, cơ quan chức năng (cảnh sát giao thông) sẽ xem xét lại xem có đúng lỗi vi phạm không với điều kiện người bị chụp ảnh, quay video nét nhất, rõ nhất lỗi vi phạm trật tự an toàn giao thông như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, đi lên vỉa hè… để nhắc nhở, xử lý.

Theo TS. Khương Kim Tạo, Nghị định số 176/2024 nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong việc xây dựng phong trào đảm bảo an toàn giao thông và chấp hành nghiêm các quy định pháp luật. Ông nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng là hướng tới một nền giao thông an toàn, văn minh, thân thiện và giàu tính nhân ái”.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/ghi-hinh-anh-vi-pham-giao-thong-khong-phai-la-nghe-1445518.ldo