Hệ thống Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền cho khách hàng đã mua giá đỗ ngâm hóa chất độc hại từ Công ty Lâm Đạo ở Đắk Lắk.
Việc hệ thống Bách Hóa Xanh tại Đắk Lắk cam kết hoàn tiền cho khách hàng là một trong những động thái đáng chú ý sau vụ việc gây chấn động dư luận.
Tuy vậy, thực tế sẽ không có nhiều người dân cần hoàn tiền. Và cũng không dễ gì để thực hiện vì chẳng mấy người giữ lại hóa đơn sau khi mua hàng.
Điều mà người dân cần ở hệ thống Bách Hóa Xanh – với tư cách “Thượng đế” – là lời giải thích rõ ràng, thái độ chịu trách nhiệm sòng phẳng.
Họ đã tin tưởng tìm đến Bách Hóa Xanh để mua những túi giá đỗ với nhãn mác “Không hóa chất,” “Vì sức khỏe cộng đồng”. Nhưng điều họ nhận được là sự thật cay đắng: những túi giá đỗ này là thực phẩm độc hại, gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Điều người dân cần, với các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk, là câu trả lời về trách nhiệm quản lý và thái độ xử lý vụ việc.
Vụ giá đỗ ngâm hóa chất bị cấm tại Đắk Lắk phơi bày lỗ hổng lớn trong quản lý an toàn thực phẩm.
Theo đó, 6 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột đã bị phát hiện bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ ngâm hóa chất cấm. Trong số đó, chỉ duy nhất Công ty Lâm Đạo được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trong khi 5 cơ sở còn lại hoạt động không phép.
Và ngay cả với Công ty Lâm Đạo có giấy phép, họ cũng sản xuất giá đỗ chứa chất độc hại như các cơ sở không phép khác!
Người dân không chỉ cần câu trả lời mà còn cần cam kết thực chất từ các cơ quan chức năng để đảm bảo rằng những vụ việc tương tự không còn tái diễn.
Nếu không có sự cải thiện về quản lý, thì số phận của các sản phẩm được dán nhãn “sạch” hay “an toàn” sẽ luôn là một dấu hỏi lớn.
Hoàn trả tiền, thậm chí cả đền bù tài chính cũng chỉ là giải pháp chữa cháy, không thể nào bù đắp được sự tổn hại về sức khỏe và tổn thương niềm tin của người tiêu dùng đối với hệ thống Bách Hóa Xanh và các cơ quan chức năng địa phương có liên quan trong vụ này.
Hành động thiết thực nhất lúc này là các cơ quan chức năng phải truy cứu trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm khắc theo pháp luật, và xây dựng lại niềm tin thông qua các cam kết cụ thể.
Người dân cần được đảm bảo thực phẩm họ tiêu thụ mỗi ngày là an toàn và các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, đạo đức, không phải chạy theo lợi nhuận bằng mọi giá.
Hệ thống giám sát và quản lý an toàn thực phẩm cần được siết chặt hơn. Từ việc cấp phép hoạt động cho các cơ sở sản xuất, kiểm tra định kỳ, đến xử lý vi phạm, tất cả đều cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/su-kien-binh-luan/gia-do-ngam-hoa-chat-hoan-tien-chi-la-giai-phap-chua-chay-1443109.ldo