Trước đề xuất hạn chế xe xăng trên quận Hoàn Kiếm, chuyên gia cho rằng, thành phố cần tính toán kỹ để tránh ảnh hưởng tới NLĐ sử dụng xe xăng làm nghề mưu sinh.
Nhiều lo lắng từ những người mưu sinh bằng xe xăng
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường từ các phương tiện giao thông, từ năm 2025, Thành phố Hà Nội sẽ thí điểm mô hình vùng phát thải thấp, hạn chế hoạt động của ôtô, xe máy chạy bằng xăng. Trong đó, đề xuất thí điểm đầu tiên tại quận Hoàn Kiếm, trung tâm văn hóa giải trí của Thủ đô. Đề xuất này đang nhận được nhiều ý kiến của người dân.
Trong suốt 7 năm làm nghề xe ôm công nghệ, anh Kiều Khánh (Hà Đông, Hà Nội) thường xuyên sử dụng xe máy chạy bằng xăng để đi làm. Công việc đặc thù phải di chuyển nhiều nơi, từ quận này sang quận khác nên anh Khánh cũng di chuyển nhiều tới quận Hoàn Kiếm. Khi nghe thông tin có đề xuất hạn chế xe xăng lưu thông ở khu vực này để bảo vệ môi trường, anh Khánh rất đồng tình với chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, theo anh Khánh, lộ trình này cũng gặp không ít khó khăn.
“Nếu hạn chế xe xăng, ai cũng sẽ chịu ảnh hưởng, từ những người đang sử dụng phương tiện này để đi lại đến những người kiếm thu nhập bằng xe máy”, anh Khánh chia sẻ.
Ngày nào cũng vậy, từ 19 giờ đến 2-3 giờ sáng, ông Hoàng Văn Hạnh (Mỹ Đức, Hà Nội) lại đồng hành cùng chiếc xe máy cũ đi bán đồ ăn vặt trên phố cổ Hà Nội. Ở độ tuổi ngoài 60, không đủ sức khỏe để làm các công việc nặng nhọc khác nên ông Hạnh chỉ biết trông chờ vào nghề này để kiếm sống. Vì vậy, khi nghe thành phố có đề xuất cấm xe chạy bằng xăng ở quận Hoàn Kiếm, ông Hạnh không khỏi lo lắng.
“Công việc chính của tôi là kiếm sống bằng nghề bán hàng rong, nếu thành phố cấm xe máy thì tôi cũng không biết đi bằng xe gì vì tôi bán bắp xào nên phải đi nhiều, nay chỗ này, mai chỗ khác. Nếu đi bằng xe đạp hoặc xe điện cũng không đi được vì đồ bán hàng nặng, xe thấp, yếu không chở được”, ông Hạnh cho biết.
Cũng phải di chuyển nhiều nơi để giao hàng, nên khi nghe thông tin hạn chế xe máy chạy bằng xăng ở quận Hoàn Kiếm, chị Phạm Thúy Hà (Đống Đa, Hà Nội) cũng cho rằng, việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế bởi không phải người lao động nào cũng đủ điều kiện kinh tế để chuyển đổi sang phương tiện mới.
Cần có lộ trình cụ thể để đảm bảo cuộc sống của người dân
Dù còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chuyển đổi xe xăng sang xe điện nhưng các chuyên gia cho rằng, trước thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, việc giảm thiểu phát thải khí thải là một biện pháp rất cần thiết.
Theo PGS, TS Bùi Thị An – nguyên Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, bà rất ủng hộ mục tiêu của Hà Nội trong việc xây dựng vùng phát thải thấp. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần phải có lộ trình và điều kiện kèm theo.
“Muốn người dân giảm phương tiện giao thông cá nhân thì đầu tiên phải có phương án thay thế phương tiện đi lại cho các đối tượng công chức, viên chức, sau đó là phương án thay thế cho những đối tượng mưu sinh bằng xe máy. Làm thế nào để khi đề xuất thay thế, hạn chế xe máy đi vào thực hiện mà không ảnh hưởng tới cuộc sống của những đối tượng này”, bà An cho biết.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản GTVT – cho hay, hiện nay, lượng xe máy điện, xe buýt, xe taxi điện càng ngày càng nhiều vì vậy, chúng ta cần động viên người dân mua, sử dụng các loại xe điện. Đồng thời, cần có sự hỗ trợ vay vốn từ nhà nước để người dân chuyển đổi sang xe xanh; mở rộng quỹ đất để xây dựng trạm sạc xe điện công cộng; tăng tính kết nối của hệ thống giao thông công cộng chạy bằng nhiên liệu sạch để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Nếu thực hiện được đồng bộ các giải pháp, giảm khó khăn trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho người dân, chắc chắn chủ trương của thành phố sẽ nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của mọi người.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/giao-thong/han-che-xe-xang-can-tinh-toan-ky-co-lo-trinh-thich-hop-1422232.ldo