TPHCM – Sau gần 2 năm thi công, dự án cải tạo kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, tuyến kênh dài nhất TPHCM hoàn thành gần 40% khối lượng.
Vừa qua, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thứ 19, Phó Chủ tịch TPHCM Võ Văn Hoan đã trình HĐND TPHCM tờ trình về điều chỉnh dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.
Thành phố đề nghị điều chỉnh tổng mức dự án từ 8.200 tỉ đồng lên 9.030 tỉ đồng. Lý do điều chỉnh là dự án đã tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng và di dời công trình hạ tầng kỹ thuật.
Thành phố cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án từ năm 2021-2025 thành năm 2021-2026.
Khởi công vào tháng 2.2023, hiện toàn bộ 10 gói thầu xây lắp của dự án đều đang thi công. Ghi nhận của Lao Động vào ngày 23.11, dự án cải tạo tuyến kênh dài nhất TPHCM đã đạt khoảng 40% khối lượng công việc.
Từ ngày triển khai dự án, dọc tuyến đường dân sinh trước đây bị rào chắn đã ảnh hưởng lớn đến kinh doanh buôn bán và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Văn Long (ngụ Phường 14, quận Gò Vấp) chia sẻ, từ khi dự án thi công đến nay, việc kinh doanh của gia đình ông không được thuận lợi. Vài tháng nay, ít khi thấy công trường thi công nên không biết bao giờ mới xong. Người dân mong muốn dự án sớm hoàn thành để buôn bán thuận lợi.
Cuối tháng 10 vừa qua, dự án gặp khó khăn do thiếu bãi đổ đất và bùn từ quá trình nạo vét lòng kênh. Ban đầu, các điểm dự kiến để chứa đất bùn tại quận Bình Tân, Gò Vấp và khu xử lý rác Đa Phước ở huyện Bình Chánh.
Tuy nhiên, các địa điểm này gặp phản đối từ người dân và cơ quan quản lý, buộc các đơn vị thi công phải tạm lưu trữ bùn, đất ngay tại công trường. Điều này không chỉ gây trở ngại cho việc nghiệm thu và giải ngân vốn mà còn làm chậm tiến độ thực hiện.
Để giải quyết vấn đề này, chủ đầu tư cho biết, đất bùn từ dự án không gây hại môi trường và đề xuất tái sử dụng cho các công trình công cộng khác trong thành phố.
Chủ đầu tư cũng kiến nghị chuyển đất bùn đến các khu vực khác có nhu cầu san lấp, nhằm tránh lãng phí tài nguyên và đáp ứng tiến độ dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một số khu vực đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tuy nhiên vẫn còn 21 trường hợp tái lấn chiếm tại các quận Bình Thạnh, Bình Tân, Quận 12, Gò Vấp và huyện Bình Chánh.
Sự tồn tại của các hộ dân này cản trở việc thi công liên tục, đặc biệt khi phải đảm bảo an toàn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật như đường dây điện, trạm biến áp và cáp viễn thông.
Chủ đầu tư đã kiến nghị UBND các quận nhanh chóng phối hợp thu hồi mặt bằng, đồng thời kêu gọi các đơn vị chủ quản hạ tầng kỹ thuật di dời, bố trí lại hệ thống điện và cáp ngầm để giảm thiểu gián đoạn thi công.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/hien-trang-cai-tao-kenh-dai-nhat-tphcm-von-9030-ti-dong-1425548.ldo