Cao Bằng – UBND huyện Nguyên Bình vừa có báo cáo liên quan việc nước sông Năng cứ vài tháng lại chuyển màu trắng đục.
Ngày 19.11, UBND huyện Nguyên Bình đã ban hành văn bản số 882/BC-UBND để báo cáo kết quả về việc kiểm tra hiện tượng nước đục ở sông Năng.
Theo đó, những ngày qua, người dân phía hạ nguồn ở Bắc Kạn luôn lo lắng khi nước sông Năng chuyển màu trắng đục gần như nước vo gạo không rõ lý do làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ gia đình dưới hạ lưu sông Năng, thuộc địa phận xã An Thắng, huyện Pác Nặm.
Đáng chú ý vào các năm 2022 và 2023, tình trạng này đã xuất hiện nhiều lần. Mặc dù đã được khắc phục, tuy nhiên tính đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10.2024, tình trạng nước sông chuyển màu lại tái diễn.
Sau một số bài phản ánh của Báo Lao Động, UBND huyện Nguyên Bình đã ban hành văn bản số 239/UBND-TNMT về việc kiểm tra, xử lý dứt điểm hiện tượng nước đục tại xã Phan Thanh, huyện Nguyên Bình (nơi khởi phát nguồn nước đục).
Theo đó, vào ngày 4.11, UBND xã Phan Thanh bắt đầu kiểm tra chi tiết hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xóm Kiềm Pèng, xóm Lũng Cam và gốc cây nghiến thuộc xóm Cáng Lò (cũ).
Tổ chức kiểm tra toàn bộ các địa điểm có nguy cơ xảy ra khai thác khoáng sản trái phép, khu vực hang đá, rẫy khu Cáng Lò gần bờ sông Năng và một số địa điểm khác, tuy nhiên không phát hiện hoạt động khai thác khoáng sản nhưng nguồn nước chảy ra từ gốc nghiến vẫn đục.
Trong các ngày 5-6.11, lực lượng Công an huyện Nguyên Bình và Công an xã Phan Thanh tiếp tục tổ chức kiểm tra khu vực hang Gốc Nghiến và các khu vực xung quanh, kết quả không phát hiện có hoạt động khai thác khoáng sản và các hoạt động khác gây ra khả năng làm đục nguồn nước. Vì vậy, vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân khiến nguồn nước chuyển màu trắng đục.
Báo cáo số 882 của UBND huyện Nguyên Bình cũng nêu ra một số khó khăn làm ảnh hưởng đến công cuộc điều tra nguyên nhân gây ô nhiễm nước như: nguồn nước chảy ra tại khu vực hang Gốc Nghiến là nguồn nước ngầm, đến nay UBND xã Phan Thanh và huyện Nguyên bình vẫn chưa xác định được đầu nguồn của dòng chảy.
Mặt khác, khu vực cần kiểm tra thuộc địa giới hành chính của 2 xã Phan Thanh, huyện Bình Nguyên, tỉnh Cao Bằng và xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn lại bị chia cắt bởi dòng sông Năng.
Trong đó, chiều dài chảy qua địa phận xã Phan Thanh khoảng 11 km, dọc khu vực chỉ có người dân thôn Tiến Bộ, xã An Thắng sinh sống, không có người dân xã Phan Thanh sinh sống. Khu vực gốc nghiến lại có địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, nằm cách xa trung tâm huyện, xã.
Để thuận lợi trong việc điều tra nguyên nhân gây đục nguồn nước, UBND huyện Nguyên Bình đề nghị UBND huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn thực hiện tốt hơn công tác phối hợp, thông tin và tổ chức các cuộc kiểm tra, tuần tra tại khu vực giáp ranh huyện Pác Nặm và huyện Nguyên Bình, đặc biệt là việc tổ chức kiểm tra, xem xét tìm ra đầy nguồn dòng chảy tại khu vực hang Gốc Nghiến.
Bên cạnh đó, UBND huyện Nguyên Bình cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng và các sở, ngành hỗ trợ tổ chức kiểm tra, xem xét, đánh giá nguyên nhân gây đục nguồn nước, sớm khắc phục, lấy lại hiện trạng ban đầu giúp người dân ổn định cuộc sống.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/ban-doc/huyen-bao-cao-gi-vu-nuoc-song-nang-chuyen-mau-trang-duc-1423798.ldo