Tiến độ cải tạo nhà tập thể, chung cư cũ ở Hà Nội hiện chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều hộ dân vẫn sống trong lo âu, chờ đợi công tác này được triển khai.
Hà Nội ra loạt chỉ đạo nóng
Từ năm 2005, Hà Nội bắt đầu cải tạo các khu chung cư cũ. Tuy nhiên, do nhiều bất cập và sự thay đổi chính sách đã tác động đến tiến độ quy hoạch, cải tạo này dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu.
Giai đoạn 2021-2025, thành phố lên kế hoạch cải tạo 10 khu chung cư cũ, bao gồm 4 khu nhà cấp D – cấp độ nguy hiểm, nguy cơ sụp đổ, phải di dời khẩn cấp người dân, gồm: Giảng Võ, Thành Công, Ngọc Khánh, nhà của Bộ Tư pháp; 6 khu có tính khả thi để cải tạo là Kim Liên, Trung Tự, Khương Thượng, Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân Nam, Nghĩa Tân.
Đến giữa tháng 12.2024, vẫn chưa có quận huyện nào hoàn thành. Vì vậy, TP Hà Nội tiếp tục ra văn bản yêu cầu UBND các quận Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng khẩn trương trình duyệt quy hoạch chi tiết, tỉ lệ 1/500 cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ ngay trong tháng 12.2024.
Gần đây nhất, thành phố ban hành quyết định về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân, tỉ lệ 1/500. Theo đó, tổng diện tích nghiên cứu lập nhiệm vụ quy hoạch chi tiết là khoảng 316.611m2.
Thời gian hoàn thành lập đồ án quy hoạch là 6 tháng kể từ ngày phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch. Dự kiến tháng 6.2025, thành phố sẽ hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Sống và chờ đợi bên trong các công trình xuống cấp
Theo ghi nhận của phóng viên, khu tập thể Nghĩa Tân có mật độ dân số khoảng 6.000 người. Tại các dãy nhà tập thể cũ, dưới tầng 1 chủ yếu các hộ cho thuê mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Bên trên các tầng là những dãy “chuồng cọp” xập xệ được người dân cơi nới.
Bà Trần Thị Tiến (sống hơn 30 năm tại khu tập thể Nghĩa Tân) chia sẻ, việc nhà nằm trong diện quy hoạch khiến bà băn khoăn cuộc sống sẽ bị đảo lộn, phức tạp nếu phải di chuyển đi nơi khác.
“Tôi và đa số người dân tại tập thể này đều mong khu nhà sớm cải tạo và được tái định cư tại chỗ. Người dân cũng mong muốn cơ quan chức năng nghiên cứu, tính hệ số đền bù (hệ số K) sao cho phù hợp với nguyện vọng của các hộ”, bà Tiến nói.
Tương tự, tại khu tập thể Giảng Võ (quận Ba Đình), thoạt nhìn từ bên ngoài, các dãy nhà tập thể vô cùng sầm uất và nhộn nhịp, bởi hệ thống các cửa hàng, nhà hàng kinh doanh với đủ loại thương hiệu. Nhưng đối lập với hình ảnh này, sâu bên trong là những góc tối cũ mèm và xuống cấp.
Hiện trạng các dãy chung cư, tập thể cũ A1, A2, A3 tại phố Giảng Võ đã trở nên ẩm thấp, rêu phong và rễ cây leo chằng chịt.
Dọc hành lang các dãy nhà là nền gạch vỡ nát, mài mòn theo thời gian. Trên tường, người dân trám vá các mảng vỡ bằng xi măng mang tính giải pháp tạm thời.
Cũng tại quận Ba Đình, còn tồn tại 3 khu tập thể khác gồm: Thành Công, Ngọc Khánh, Giảng Võ nằm trong diện có nguy cơ đổ sập.
Căn nhà của ông Lê Đình Phúc (khu A tập thể Ngọc Khánh), chỉ tính trong khu bếp, ông Phúc phải chắp vá chằng chịt máng hứng nước, đường ống để ngăn dột xuống sàn.
KTS Trần Huy Ánh – Ủy viên Thường vụ Hội KTS Hà Nội – đánh giá, tại các nhà tập thể, chung cư cũ như tại Nghĩa Tân, Giảng Võ… do yếu tố về môi trường sinh kế rất phát triển, sau các cuộc khảo sát thì hầu như các hộ ở tầng 1 đều không đồng ý với các phương án đề bù.
“Do đó, dù đưa ra phương án nào, có khả thi hay không thì điều quan trọng nhất vẫn là sự đồng thuận của các hộ tầng 1”, ông Trần Huy Ánh nói.
Các nhà nghiên cứu về quy hoạch cũng cho rằng, một trong những vướng mắc lớn khi cải tạo nhà chung cư, tập thể cũ là ý kiến của người dân thường thiếu đồng thuận do khung giá bồi thường cũng như chính sách tái định cư còn chưa được rõ ràng.
Về hệ số bồi thường hiện nay, theo ông Mạc Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, sau khi Luật Nhà ở năm 2023 được Quốc hội thông qua, Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ.
Quy định mới cụ thể hơn so với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP khi các hộ tầng 1 sẽ được hưởng hệ số bồi thường K=1-2 lần, các hộ tầng 2 trở lên hưởng hệ số bồi thường K=1-1,5 lần.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/bat-dong-san/nguoi-dan-moi-mon-cho-cu-hich-cai-tao-chung-cu-cu-1444886.ldo