Môi trường công việc hiện tại không phù hợp, thậm chí quá vất vả đã khiến nhiều người lao động quyết định nghỉ việc dù biết sẽ mất thưởng Tết.
Đầu tháng 11 Dương lịch, anh Trần Văn Quân (28 tuổi) – nhân viên Marketing tại Hà Nội – đã quyết định nghỉ việc dù biết sẽ mất khoản thưởng Tết 11 triệu đồng (một tháng lương thực tế).
“Lý do chính khiến tôi nghỉ việc đó là công ty không đóng bảo hiểm xã hội, chế độ thưởng khi đạt hoặc vượt KPI chưa hấp dẫn” – anh Quân cho hay.
Theo anh Quân, đạt KPI là trách nhiệm nên không có thưởng, vượt KPI từ 20% trở lên mới được thưởng 500.000 đồng. Tuy nhiên, để đạt được KPI từ 20% là điều rất khó khăn.
Với 11 triệu thưởng Tết, anh Quân chia sẻ sự tiếc nuối nhưng nghĩ đến những quyền lợi về lâu dài vẫn sẵn sàng đánh đổi.
“Công ty mới chỉ cách nhà 2km trong khi công ty cũ tôi phải đi làm hơn 9km. Nơi mới được đóng bảo hiểm xã hội, tôi sẽ có thêm bảo hiểm y tế, sau này nhỡ mất việc hoặc muốn hưởng lương hưu cũng an tâm hơn” – anh Quân nói.
Làm ở công ty mới 2 tháng, anh Quân cho biết, được thưởng Tết khoảng 2 triệu đồng hoặc ít hơn. Dù biết Tết này sẽ hơi chật vật nhưng anh không tiếc nuối với quyết định của mình. Vì công ty này rất ít tuyển nhân sự, anh Quân sợ bỏ lỡ cơ hội.
Tiết lộ mức lương và các khoản thưởng ở công ty, anh Quân cho hay, anh được trả lương cứng 10 triệu đồng/tháng. Xem qua quy chế công ty, hỏi các đồng nghiệp thì còn được thưởng thêm theo % doanh thu nên thu nhập sẽ dao động từ 12 đến 18 triệu đồng/tháng. Đây cũng là động lực để anh Quân cố gắng làm việc.
Không chỉ lao động trí óc, nhiều lao động phổ thông cũng sẵn sàng nghỉ việc dù Tết đã cận kề.
Giữa tháng 10 Dương lịch, chị Phạm Thị Hương (42 tuổi) đã quyết định nghỉ việc ở công ty giày da chuyển sang công ty may để làm việc. Dù biết sẽ mất hơn 4 triệu thưởng Tết nhưng chị Hương vẫn chấp nhận.
“Ở công ty mới đều đáp ứng tốt cả hai yêu cầu tôi đặt ra, đó là thời gian và mức lương đều tốt hơn chỗ cũ” – chị Hương cho hay.
Lý giải quan điểm trên, chị Hương cho biết, ở công ty cũ, nữ công nhân phải làm việc từ 7h30 sáng đến 20h30 tối với mức lương gần 7 triệu đồng. Tuy nhiên, sang chỗ mới, chị Hương chỉ cần làm đến 18h30 tối. Tháng lương đầu tiên nhận được khiến nữ công nhân cảm thấy rất hài lòng, khoảng 9 triệu đồng.
Ở công ty hiện tại, chị Hương có nhiều thời gian hơn cho gia đình khi về đến nhà chưa đến 19h. Sức khỏe cũng được đảm bảo hơn bởi không phải tăng ca quá muộn như công ty cũ.
“15 ngày nghỉ ngang ở công ty cũ, tôi được công ty mới hỗ trợ gần 130.000 đồng/ngày. Đồng thời, công ty cũng thưởng thêm cho tôi 1,5 triệu đồng vì được tuyển vào làm việc” – chị Hương cho hay.
Số tiền này cộng với khoản chênh lệch tiền lương từ giờ đến Tết theo nữ công nhân nhiều hơn thưởng Tết một tháng lương cơ bản so với chỗ cũ.
“Nếu chỉ nghĩ đến thưởng Tết, tôi sẽ không tìm được nơi làm việc phù hợp với bản thân hơn. Hiện tại, tôi hài lòng với quyết định của mình” – chị Hương cho hay.
Bà Nguyễn Việt Trang – Phó Trưởng phòng nhân sự một công ty về lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện – cho hay, thưởng Tết luôn mối quan tâm hàng đầu của người lao động.
Thưởng Tết không bắt buộc và phụ thuộc hoàn toàn vào tình hình sản xuất của công ty qua một năm làm việc nhưng nhìn chung, các công ty đều thưởng lương tháng 13 cho người lao động.
Theo bà Trang, với lao động trẻ, lý do nghỉ việc được quyết định bởi nhiều yếu tố như môi trường làm việc, lãnh đạo trực tiếp, khả năng phát triển không phụ thuộc hoàn toàn vào thưởng Tết.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-nghi-viec-cuoi-nam-du-se-mat-thuong-tet-1433965.ldo