Người thanh niên cần mẫn nuôi kiến để bảo vệ vườn bưởi

Người thanh niên cần mẫn nuôi kiến để bảo vệ vườn bưởi
Người thanh niên cần mẫn nuôi kiến để bảo vệ vườn bưởi

Thanh Hóa – Kể từ khi triển khai việc nuôi kiến vàng, vườn bưởi của anh Mão luôn trĩu quả, không còn tình trạng sâu bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Đến thăm vườn bưởi của gia đình Trịnh Đình Mão (37 tuổi, ở thôn Trịnh Xá 1, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) những ngày này tràn ngập một màu vàng óng, mùi thơm dịu nhẹ. Anh Mão cho hay, vườn bưởi Diễn của gia đình anh rộng hơn 1,5 ha, với khoảng 300 gốc, được trồng cách đây gần 20 năm.

Mô hình nuôi kiến vàng của gia đình anh Trịnh Đình Mão (ở thôn Trịnh Xá 1, xã Yên Ninh, huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ảnh: Quách Du

Theo anh Mão, rất nhiều năm chăm sóc, sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, nhưng đến kỳ thu hoạch thì số lượng bưởi đậu và chín không nhiều, dẫn tới hiệu quả kinh tế cũng không cao. Hơn 1 năm trước, anh được các cán bộ Trung tâm Bảo vệ thực vật vùng IV (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu.

“Từ khi áp dụng kỹ thuật này, tôi thấy hiệu quả mang lại rõ rệt, bưởi sinh trưởng và phát triển đều hơn, không bị sâu bệnh. Ngoài ra, bưởi được chăm sóc hoàn toàn bằng hữu cơ, đảm bảo sạch và bán được giá cao hơn” – anh Mão chia sẻ.

Anh Trịnh Đình Mão vui mừng vì mô hình nuôi kiến vàng đã giúp bảo vệ vườn bưởi, giảm chi phí và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Quách Du

Được biết, để có được đàn kiến đông đảo về bảo vệ vườn bưởi, ban đầu anh Mão đã dùng chai nhựa bên trong chứa tép và ruột gà để dẫn dụ đàn kiến về làm tổ. Chỉ một thời gian ngắn sau, số lượng kiến vàng đổ về vườn bưởi đông không tưởng. Để tiện cho kiến di chuyển, anh đã căng dây kết nối giữa các cây với nhau.

Bài viết liên quan  Ô tô lao thẳng vào nhà dân khiến bé 17 tháng đang ở trong nhà 'không qua khỏi'

Theo anh Mão, kể từ khi có đàn kiến vàng về “bảo vệ”, vườn bưởi không còn tình trạng lá cây bị sâu, hoa và quả ít bị ong đốt, nên số lượng quả đậu cũng tăng lên đáng kể. Nhận thấy kỹ thuật này mang lại hiệu quả cao, đỡ tốn chi phí mua thuốc trừ sâu, anh đã không ngừng dẫn dụ, nhân rộng mô hình đàn kiến sang nhiều khu vườn khác.

Để đàn kiến di chuyển dễ dàng, anh Mão dùng dây cước căng từ cây này sang cây khác. Ảnh: Quách Du

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi kiến trong thời gian qua, anh Mão cho hay, tập tính của kiến vàng là loài ăn thịt, nếu cho kiến ăn quá no, chúng sẽ ít săn mồi. Còn nếu không bổ sung thức ăn đầy đủ thì kiến dễ bỏ đi. Do đó, cần phải theo dõi thường xuyên đàn kiến để có những điều chỉnh hợp lý, nhằm đảm bảo sự ổn định của đàn.

“Một điều tối kỵ khi nuôi kiến vàng là không được dùng thuốc bảo vệ thực vật, bởi nếu dùng thì kiến sẽ bị chết hoặc bỏ đi hết” – anh Mão cho hay.

Những tổ kiến vàng trên cây bưởi, giúp cho việc bảo vệ cây trồng tránh bị sâu bệnh. Ảnh: Quách Du

Theo anh Mão, ngoài bảo vệ sâu bệnh cho cây, kiến vàng còn giúp ích trong việc phát hiện những cây trồng đang thiếu nước. Cụ thể, kiến vàng thường uống nước trên thân cây, nếu thấy kiến bò xuống đất nhiều, thì đó là báo hiệu cây đang thiếu nước và cần bổ sung ngay.

Nhờ mô hình nuôi kiến bảo vệ vườn bưởi, nên sản lượng bưởi cũng tăng lên. Ước tính vườn bưởi của gia đình anh Mão năm nay sẽ cho thu về hàng tấn quả, với số tiền thu về hơn 100 triệu đồng.

Bài viết liên quan  5 công thức chè dưỡng nhan cho mùa thu đông giúp da căng tràn, tóc suôn mượt

Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Yên Định (Thanh Hóa) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng hơn 300ha cam và bưởi. Việc áp dụng phương pháp nuôi kiến vàng thay thế thuốc trừ sâu đã được triển khai tại một số mô hình, bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.

Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, nhằm nâng cao năng suất cây trồng (đặc biệt là cam và bưởi), tạo nên những sản phẩm sạch, giá thành cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/nguoi-thanh-nien-can-man-nuoi-kien-de-bao-ve-vuon-buoi-1425640.ldo