Nhiều người chưa biết về quy định phân loại rác thải

Nhiều người chưa biết về quy định phân loại rác thải
Nhiều người chưa biết về quy định phân loại rác thải

Từ 1.1.2025, cá nhân, hộ gia đình phải phân loại rác thải, nếu không sẽ bị phạt tiền lên đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên theo ghi nhận, nhiều người vẫn chưa biết về quy định này.

Chưa rõ quy định thế nào, thực hiện ra sao

Sau khi chính sách phân loại rác thải tại nguồn có hiệu lực, nếu không thực hiện phân loại, các cá nhân, hộ gia đình sẽ bị xử phạt 500.000 đến 1 triệu đồng – theo Nghị định 45/2022 của Chính phủ.

Tuy nhiên, ghi nhận của Báo Lao Động, hiện vẫn còn nhiều người chưa biết quy định này.

Từ 1.1.2025, các cá nhân, hộ gia đình không thực hiện phân loại rác sẽ bị xử phạt lên đến 1 triệu đồng. Ảnh: Ngọc Ánh

Chị Nguyễn Vân Anh (23 tuổi, quận Bình Thạnh) cho biết chưa từng nghe thông tin xử phạt vi phạm liên quan đến phân loại rác thải sinh hoạt.

“Khu nhà mình ở không thấy nói về quy định này, cũng không thấy chủ nhà nhắc nhở phải phân loại rác. Mình cũng thường xuyên đổ rác vào một túi chung mà không phân loại vì nghĩ sau khi đổ rác sẽ có đội thu gom của phường đến lấy và phân loại giúp”, chị Vân Anh nói.

Sinh sống tại Quận 7 (TPHCM), anh Trần Chí Thanh (28 tuổi) cũng cho biết chưa từng nghe về quy định trên.

Dù có bố trí 2 thùng rác để phân loại, tuy nhiên điều này chưa đúng với quy định. Ảnh: Ngọc Ánh

“Nhiều năm nay mình vẫn thực hiện phân loại rác theo thói quen. Còn việc xử phạt nếu không phân loại rác thì mình chưa từng nghe”, anh Thanh nói.

Cũng theo anh Thanh, nơi anh sinh sống chỉ bố trí 1 thùng rác chung được đặt ở khu vực trước nhà, không có đủ 3 thùng phân loại các chất thải theo quy định.

Bài viết liên quan  Không khí lạnh tăng cường, miền Trung tiếp tục hứng chịu mưa lớn như trút
Một chung cư trên địa bàn quận Bình Thạnh chỉ bố trí 1 thùng rác để người dân bỏ rác. Ảnh: Ngọc Ánh

“Theo quan sát, đa phần mọi người đều đổ mọi loại rác vào thùng chung của tòa nhà. Nếu hộ gia đình nào thực hiện phân loại như mình cũng trở nên vô nghĩa vì rác sẽ tập trung một chỗ”, anh Thanh nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại một số khu dân cư ở TPHCM, hiện nhiều nơi chỉ bố trí 1-2 thùng rác để người dân thực hiện phân loại. Điều này chưa đáp ứng được quy định hiện hành, tạo nên những bất cập trong công tác quản lý và xử lý rác thải.

Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện

Là một trong những địa phương tiên phong trong công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, ông Trần Trọng Nghĩa – Chủ tịch UBND phường Phạm Ngũ Lão (Quận 1, TPHCM) cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn hiện nay vẫn còn bất cập ở chỗ thu gom rác thải.

Một vị trí tập kết rác tại Phường 27, quận Bình Thạnh. Ảnh: Ngọc Ánh

“Nhiều đơn vị thu gom đến lấy rác thì lại bỏ tất cả rác vào chung 1 thùng, người dân thấy cảnh đó nhiều khi cũng chán nản, không muốn phân loại rác nữa vì gần như vô nghĩa”, ông Nghĩa nói.

Vì vậy, cần xây dựng quy trình thu gom đồng bộ, trong đó mỗi loại rác thải được vận chuyển và xử lý riêng biệt từ khâu thu gom. Việc này không chỉ duy trì động lực cho người dân mà còn đảm bảo rác thải tái chế và rác hữu cơ được xử lý đúng cách, giảm thiểu gánh nặng cho bãi rác và bảo vệ môi trường.

Bài viết liên quan  Cách ông Lưu Bình Nhưỡng can thiệp chính quyền giúp doanh nghiệp để hưởng lợi
Nhóm Ve Chai Chú Hoả thu gom và xử lý khoảng 5 tấn rác/ngày với đội ngũ khoảng 17 người. Ảnh: Ngọc Ánh

Trao đổi với Lao Động, anh Nguyễn Vạn Tiến – người sáng lập nhóm Ve chai Chú Hoả cho biết, ngoài hoạt động thu mua phế liệu, nhóm cũng hỗ trợ người dân phân loại rác tại nguồn và phân loại, xử lý ve chai để bán được giá cao hơn.

Việc phân loại rác thải tại nguồn cần có sự đồng thuận cao từ người dân, sự phối hợp hiệu quả giữa các bên. Ảnh: Ngọc Ánh

Theo anh Tiến, người dân từ xưa đến nay có thói quen chỉ giữ lại những gì có thể bán được tiền, còn những gì không thể bán sẽ bị vứt luôn cùng những loại rác thải khác.

“Do đó điều cốt lõi là thay đổi suy nghĩ của người dân, không phải cái gì bán được mới giữ lại mà cả những rác không thể tái chế, rác cồng kềnh,… cũng phải phân loại, để bảo về môi trường sống cho thế hệ sau”, anh Tiến nói.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/nhieu-nguoi-chua-biet-ve-quy-dinh-phan-loai-rac-thai-1444561.ldo