Trường Đại học Luật Hà Nội có nhiều tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác tuyển sinh, đào tạo, thu chi tài chính.
Tồn tại, thiếu sót trong chi tiêu, chứng từ kế toán
Theo tìm hiểu của PV Lao Động, Thanh tra Bộ Tư pháp vừa có Kết luận Thanh tra công tác tuyển sinh, đào tạo và thu chi tài chính đối với hệ vừa làm vừa học (tại chức), chính quy văn bằng 2 của Trường Đại học Luật Hà Nội, giai đoạn 2020 – 2021.
Trong giai đoạn này, Trường Đại học Luật Hà Nội tuyển sinh hệ vừa làm vừa học (VLVH) văn bằng 1(VB1), văn bằng 2 (VB2), hệ chính quy (CQ) VB2.
Theo đó, hệ VLVH: Tuyển sinh ngành Luật với 1.868 sinh viên. Hệ CQ VB2: Tuyển sinh ngành Luật, Luật Kinh tế và Luật pháp chế dành cho cán bộ, công chức với 1.476 sinh viên.
Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ ra rằng, trong công tác tuyển sinh của nhà trường, thông báo chỉ quy định chỉ tiêu tuyển sinh chung, chưa xác định chi tiết chỉ tiêu tuyển sinh cho từng phương thức tuyển sinh là chưa đảm bảo quy định.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển tại các cơ sở liên kết đào tạo khi sinh viên đã nhập học chưa đảm bảo quy định.
Về công tác tài chính, việc xây dựng Quy chế tài chính và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Đại học Luật Hà Nội theo kế hoạch công tác năm 2021 được giao cho phòng Tài chính – Kế toán chủ trì, được thanh toán tại Phiếu chi số 210302PC ngày 2.6.2021 thanh toán tiền làm thêm giờ cho Phòng Tài chính – Kế toán để xây dựng Quy chế tài chính và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường Đại học Luật Hà Nội, với số tiền 24.900.000 đồng.
Tuy nhiên, Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn ký Hợp đồng thuê khoán xây dựng Quy chế tài chính và Quy chế chi tiêu nội bộ của Trường cho nhóm soạn thảo của Phòng đào tạo sau đại học với số tiền 50.000.000 đồng và thanh toán tiền tại Phiếu chi số 210305PC ngày 8.6.2021.
Như vậy, công việc này, Trường đã giao 2 nhóm thực hiện cùng một nhiệm vụ xây dựng Quy chế tài chính và Quy chế chi tiêu nội bộ.
Theo báo cáo giải trình của nhà trường: 2 phiếu chi cùng ghi nội dung nhưng thực tế là chi cho 2 nhiệm vụ: Chi tiền làm thêm ngoài giờ nghiên cứu dự thảo và chi cho chuyên gia thẩm định, tư vấn.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng chỉ ra một số chứng từ chi của nhà trường thiếu đề xuất chi.
Về xét tốt nghiệp, công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp: Hồ sơ tốt nghiệp của các lớp hệ VLVH tuyển sinh trước ngày 1.5.2017 chưa thể hiện việc Trường Đại học Luật Hà Nội báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp trước kỳ thi tốt nghiệp 10 ngày theo quy định.
Số liệu tại các báo cáo của Phòng Đào tạo, Phòng Thanh tra và báo cáo của Trường Đại học Luật Hà Nội gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp tại các đợt tuyển sinh, kết quả đào tạo hàng năm chưa thống nhất số liệu, cho thấy việc quản lý tuyển sinh, đào tạo của Trường Đại học Luật Hà Nội còn chưa được chặt chẽ.
Yêu cầu nhà trường họp kiểm điểm
Từ Kết luận thanh tra, Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp yêu cầu Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức họp kiểm điểm nghiêm túc đối với những tồn tại, thiếu sót đã được chỉ ra;
Quản lý, sử dụng tài sản công theo đúng quy định của pháp luật hiện hành; tăng cường quản lý thu, chi đảm bảo các khoản thu, chi đúng quy định, chứng từ kế toán đầy đủ, chặt chẽ; sắp xếp, lưu trữ chứng từ đầy đủ, khoa học;
Khẩn trương có biện pháp khắc phục, hoàn thiện những tồn tại, thiếu sót đã được kết luận và báo cáo kết quả thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra về Thanh tra Bộ Tư pháp.
Chánh Thanh tra cũng kiến nghị đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện nghiêm các nội dung Kết luận thanh tra; chỉ đạo Vụ Tổ chức cán bộ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện việc tuyển sinh, đào tạo hệ VLVH, CQ VB2 nói riêng và các hệ đào tạo khác chặt chẽ, đúng quy định.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/giao-duc/nhieu-ton-tai-thieu-sot-tai-truong-dai-hoc-luat-ha-noi-1434068.ldo