Quảng Trị – Các trụ sở công không còn nhu cầu sử dụng sẽ được bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ngày 25.11, ông Hà Sỹ Đồng – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận, UBND tỉnh Quảng Trị đã có phương án xử lý đối với các cơ sở nhà, đất không có nhu cầu sử dụng theo hình thức bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Có 70 cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc, trụ sở cơ quan công trình sự nghiệp nhà nước, cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở văn hóa… của các cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện ở tỉnh Quảng Trị được xử lý theo hình thức nói trên.
Trong đó, đơn vị có số cơ sở nhà đất được bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất lớn nhất đợt này là huyện Hải Lăng, với 17 cơ sở nhà đất. Huyện Cam Lộ có 13 cơ sở nhà đất, huyện Triệu Phong 9 cơ sở nhà đất, huyện Gio Linh 8 cơ sở nhà đất…
Để xử lý các cơ sở nhà đất nói trên, các địa phương sẽ làm hồ sơ theo pháp luật về đất đai, pháp luật về tài sản công và các quy định có liên quan để trình các cấp có thẩm quyền. Sau đó, cấp có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 70 cơ sở nhà, đất.
Theo ông Hà Sỹ Đồng, các cơ sở nhà đất thuộc quản lý của địa phương trước mắt đã có phương án xử lý, nhưng cơ sở nhà đất là các trụ sở công thuộc quản lý của cơ quan Trung ương không có nhu cầu sử dụng, đang bỏ hoang hóa thì chưa có phương án xử lý.
“Mới đây, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ tám, tôi đã có ý kiến, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo Bộ Tài chính xử lý dứt điểm vấn đề tài sản công, là các trụ sở công của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn các địa phương hiện không có nhu cầu sử dụng” – ông Hà Sỹ Đồng nói.
Tại phiên thảo luận, ông Hà Sỹ Đồng dẫn chứng, trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) là tòa nhà 3 tầng trên diện tích đất hơn 2.000m2 tọa lạc tại vị trí đắc địa nhưng bị bỏ hoang từ 2016 đến nay. Tỉnh Quảng Trị và Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp, đề nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép bán đấu giá hoặc chuyển cho địa phương xử lý, nhưng 8 năm chỉ nhận được câu trả lời là chờ sắp xếp tổng thể. Trong lúc đó, tòa nhà ngày càng xuống cấp, hoang hóa, khiến cử tri bức xúc.
Trước đó, Báo Lao Động đã có nhiều bài viết, thông tin việc sau khi sáp nhập, nhiều trụ sở công tại tỉnh Quảng Trị thuộc quản lý của địa phương và các cơ quan ở Trung ương không có nhu cầu sử dụng, bỏ hoang. Các trụ sở này đều tọa lạc tại các vị trí mặt tiền các khu đất đắc địa, không chỉ gây lãng phí, mà còn mất mỹ quan đô thị.
Nguồn: https://amp.laodong.vn/bat-dong-san/quang-tri-xu-ly-cac-tru-so-cong-bo-hoang-doi-du-sau-sap-nhap-1426275.ldo