Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)

Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)

Trong sáng nay (27.11), dự kiến Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trước đó, vào ngày 24.10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật này.

Các đại biểu đã tham gia, đóng góp ý kiến về nhiều nội dung khác nhau. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc tiếp tục duy trì kinh phí công đoàn 2%; ủng hộ bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài trong dự thảo luật; ủng hộ bổ sung quy định về việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn…

Về kinh phí công đoàn 2%, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, thực tế tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam qua nhiều nhiệm kỳ cho thấy nguồn thu kinh phí công đoàn cùng với các nguồn khác là cơ sở rất quan trọng để tổ chức cho hoạt động của công đoàn và xây dựng nguồn lực đủ mạnh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của công đoàn.

Trong bối cảnh hiện nay nguồn lực Nhà nước còn hạn chế và để chăm lo, kế thừa thực thi luật hiện hành đạt được hiệu quả cũng như sự gắn kết lâu dài của người lao động đối với doanh nghiệp và đặc biệt là hoạt động của tổ chức công đoàn thì việc thu kinh phí công đoàn 2% là hợp lý và đảm bảo được hoạt động của công đoàn một cách bền vững.

Bài viết liên quan  Bật cười với những món quà, lời chúc của học sinh vùng cao nhân ngày 20/11: “Em chúc cô bò nhanh như con cua…”

Về quy định việc miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn, đại biểu Quốc hội đề nghị có nghiên cứu, bổ sung thêm cho chặt chẽ, tạo thuận lợi khi thực thi luật ban hành…

Tiếp thu ý kiến các đại biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo quán triệt, thể chế hóa sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng và phát triển đất nước, phù hợp với Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với tổ chức Công đoàn.

Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam – tổ chức chính trị – xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia; kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện vừa qua.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đình Khang cho biết thêm, việc sửa luật có tham khảo và tiếp thu, chọn lọc những kinh nghiệm quốc tế đảm bảo phù hợp với thể chế chính trị, yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bài viết liên quan  Hà Nội chốt tiến độ quy hoạch xây lại loạt nhà cũ trên ‘đất vàng’ trung tâm

Cũng trong ngày 27.11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Phòng không nhân dân; biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035; thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế…

Nguồn: https://amp.laodong.vn/cong-doan/quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-cong-doan-sua-doi-1426976.ldo