Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội chưa thực hiện phân loại rác

Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội chưa thực hiện phân loại rác
Sở Tài Nguyên Môi trường Hà Nội chưa thực hiện phân loại rác

Từ 1.1.2025, theo luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại rác tại nguồn (PLRTN) thành 3 nhóm.

Nhiều dãy trọ, khu chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chưa thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Hạo Thiên

Nhiều nơi vẫn chưa thực hiện PLRTN

Theo ghi nhận của Lao Động, đã qua ngày đầu tiên áp dụng PLRTN, tuy nhiên nhiều dãy trọ, khu chung cư và cả cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn chỉ áp dụng phương pháp phân loại rác truyền thống – bỏ chung các loại rác.

Tại tòa Chung cư 4F Trung Yên – Cầu Giấy, các hộ gia đình vẫn bỏ chung chất thải vào ống dẫn rác của từng tầng, sau đó rác sẽ rơi xuống thùng rác chung tại nhà chứa nằm ngay dưới chân tòa chung cư.

Chị Nguyễn Vân Anh (tên nhân vật đã được thay đổi) hiện sinh sống trong tòa nhà cho biết, chung cư chỉ có một ống đổ rác tại mỗi tầng của căn hộ nên các hộ gia đình có phân loại hay không thì rác cũng chỉ đi qua đường ống này để xuống kho chứa rác. Chính vì vậy, nhiều người không quan tâm đến việc PLRTN mà chỉ mở cửa ống rồi cho bịch rác vào là xong. Tất cả các loại giấy, hộp carton… cũng xả xuống chung với rác thực phẩm nên bị hư hại và không còn khả năng tái chế.

“Thông thường, gia đình tôi sẽ lọc ra 2 loại rác. Một loại là thực phẩm, thức ăn thừa trong gia đình, còn lại là ve chai gồm vỏ nhựa, vỏ lon nước. Có lần, tôi đã chủ động để riêng từng loại rác trong nhà chứa của chung cư, nhưng một lúc sau người thu gom lại bỏ chung lên thùng rác và đem đi. Nhiều lần như vậy nên gia đình tôi không phân loại rác nữa” – chị Vân Anh chia sẻ.

Bài viết liên quan  Bạn thân đến dự đám cưới tôi nhưng lôi theo cả chồng con đi cùng. Tôi vui vẻ tiếp đón đến khi mở phong bì ra thì

Cũng theo ghi nhận, tòa Chung cư Ecohome 1-2-3 (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hiện vẫn chưa được trang bị đủ 3 loại thùng rác. Tại một vài điểm như bồn cây, khu dịch vụ, bể bơi quanh tòa nhà cũng chỉ sử dụng các loại thùng rác 2 ngăn chứa.

Chia sẻ với Lao Động, chị Nguyễn Thị Vân (tên nhân vật đã được thay đổi) hiện sinh sống trong tòa Chung cư Ecohome 2 cho biết, gia đình chị có 3 người, mỗi ngày thải ra khá nhiều loại rác khác nhau, từ thức ăn thừa tới túi nhựa, vỏ chai, túi giấy… Mặc dù đã được nghe quy định mới về PLRTN, gia đình chị Vân vẫn gặp khó khi áp dụng bởi chưa được phổ biến cụ thể về cách thức cũng như tòa nhà gia đình chị đang sống không có đủ 3 loại thùng phân loại rác.

“Gia đình tôi vẫn chưa nhận được hướng dẫn nào từ Ban quản lý tòa nhà về quy trình phân loại rác theo yêu cầu mới. Phần lớn chỉ là đọc và tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng nên chưa biết rõ được quá trình PLRTN của nhà mình đã đúng với quy định mới hay chưa. Nếu áp dụng các biện pháp phạt tiền khi không PLRTN theo đúng quy định trong thời điểm này là chưa hợp lý…” – chị Vân nói.

Không chỉ các dãy trọ, khu chung cư mà ngay cả cơ quan quản lý về môi trường cũng chưa thực hiện đồng bộ về PLRTN. Theo ghi nhận của Lao Động trong sáng 2.1.2025, tại Trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường nằm trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Đống Đa, Hà Nội), các thùng phân loại rác 3 ngăn vẫn bọc kín trong túi ni lông và chưa được sử dụng. Bên cạnh đó, quá trình phân loại rác tại đây vẫn chưa được thực hiện đồng bộ khi rác đều bỏ chung vào một thùng đặt ngay gần lối ra vào khu vực để xe của cán bộ, công nhân viên.

Bài viết liên quan  Để GPLX ô tô quá hạn dù chỉ 1 ngày cũng phải thi lại lý thuyết

Trong sáng 2.1.2025, tại Trụ sở Sở Tài nguyên và Môi trường (Đống Đa, Hà Nội), các thùng phân loại rác 3 ngăn vẫn bọc kín trong túi ni lông và chưa được sử dụng. Ảnh: Hạo Thiên

Rà soát, gỡ “nút thắt” cho từng khu vực

Chia sẻ với Lao Động, PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng – cho rằng, việc thực hiện PLRTN là việc khó, cần có lộ trình phù hợp và tiềm lực kinh tế lớn mới có thể triển khai đồng bộ.

“Hiện nay, mặc dù đã đến thời điểm phải triển khai PLRTN, tuy nhiên không phải khu vực nào cũng thực hiện được bởi còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Vì vậy để thực hiện hiệu quả, các địa phương cần rà soát lại từng khu vực; nghiên cứu mô hình tại những nơi đã triển khai thành công PLRTN, từ đó điều chỉnh và áp dụng sao cho phù hợp với điều kiện của từng khu vực. Việc này sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc nhưng nếu không làm nhanh và sớm, quá trình PLRTN sẽ càng lâu và khó thực hiện” – PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Nhiều năm sống tại Đức – một trong những nước thực hiện khá thành công chương trình PLRTN, PGS.TS Lê Hùng Anh – Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cho rằng, với PLRTN, nếu chúng ta cứ tuyên truyền mà không đưa được vào cuộc sống, lâu ngày sẽ mất tác dụng, trong khi việc này rất quan trọng và có ý nghĩa trong công tác bảo vệ môi trường.

Bài viết liên quan  Hà Nội sắp cưỡng chế thu hồi đất mở đường 8-10 làn xe

“Trong việc phân loại rác, điều quan trọng là cần có lộ trình phù hợp và tùy theo năng lực của từng địa phương. Cụ thể, thay vì phân ra 3 loại thì bước đầu chỉ nên phân thành 2 loại là có thể tái chế và loại còn lại. Hoặc với những địa phương có dự án điện rác thì phân thành loại có thể đốt và không thể đốt. Sau một thời gian đủ lâu để hình thành thói quen như vậy thì chuyển sang giai đoạn 2 là nâng cao và chi tiết hơn, phân rác thành 3 – 4 loại” – PGS.TS Lê Hùng Anh đề xuất.

PGS.TS Lê Hùng Anh – Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường cũng lưu ý, song song với việc khuyến khích PLRTN thì giải pháp quan trọng là phải tổ chức lại và nâng cấp phương tiện, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thu gom, xử lý rác.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/moi-truong/so-tai-nguyen-moi-truong-ha-noi-chua-thuc-hien-phan-loai-rac-1444384.ldo