Tỉ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao, nhiều nguy cơ bệnh tật

Tỉ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao, nhiều nguy cơ bệnh tật
Tỉ lệ béo phì ở trẻ em tăng cao, nhiều nguy cơ bệnh tật

Chuyên gia dự báo, nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ có gần 2 triệu trẻ em bị thừa cân, béo phì.

“Thừa cân, béo phì là một vấn nạn với trẻ em” – chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam Đỗ Hồng Phương nhấn mạnh điều này tại Hội thảo góp ý vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt về áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, phòng, chống thừa cân, béo phì ở trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – phối hợp với UNICEF tổ chức ngày 24.11.

Bà Đỗ Hồng Phương cho biết, tại Đông Á và Thái Bình Dương, vấn đề thừa cân đang ảnh hưởng tới 90 triệu trẻ em và thanh thiếu niên, 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi; có 26% số trẻ em thừa cân trên thế giới.

Nói về việc gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì trẻ em tại Việt Nam, bà Đỗ Hồng Phương cho biết, trong nhóm trẻ 5-19 tuổi, tỉ lệ thừa cân, béo phì đã tăng từ 8,5% (2010) lên 19% (2020). Trong đó, khu vực thành thị 26,8%, cao hơn tỉ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) cao hơn tỉ lệ tại các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình của khu vực.

Chuyên gia dinh dưỡng UNICEF Việt Nam Đỗ Hồng Phương. Ảnh: T.Vương

Bà Đỗ Hồng Phương đưa ra dự báo, nếu không có các can thiệp hiệu quả, kịp thời, ước tính đến năm 2030, gần 2 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-19 tuổi bị thừa cân, béo phì.

Bài viết liên quan  Cập nhật giá vàng chốt phiên 17.11: Lỗ nặng khi “lướt sóng”

Theo bà Phương, trẻ em bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc nhiều bệnh không lây nhiễm như tiểu đường, tim mạch, ung thư, các bệnh mãn tính khác và tử vong sớm.

Mặt khác, trẻ bị thừa cân hoặc béo phì có thể bị tác động tiêu cực về tâm lý và xã hội, chịu các định kiến về cân nặng, bị cô lập, trầm cảm, thiếu tự tin, kết quả học tập kém.

Cũng tại hội thảo, PGS.TS. BS. Trương Tuyết Mai – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia – nêu tác hại của đồ uống có đường tới sức khỏe, đặc biệt là tác động tới trẻ em.

Theo đó, tiêu thụ đồ uống có đường trong thời thơ ấu có liên quan đến nguy cơ béo phì và thừa cân/béo phì cao hơn ở 5 tuổi. Nếu uống thêm mỗi 100ml đồ uống có đường mỗi ngày có liên quan đến chỉ số BMI cao hơn và tăng nguy cơ thừa cân/béo phì lên 1,2 lần ở tuổi lên 6.

“Béo phì ở trẻ em là một vấn đề toàn cầu cần hành động khẩn cấp” – PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai nhấn mạnh.

Bà Mai cũng dẫn các khuyến nghị hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường ở trẻ em. Theo đó, trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.

Đối với trẻ em từ 2 đến 18 tuổi, hạn chế lượng đường tiêu thụ xuống dưới 25 gram mỗi ngày (<=5% tổng năng lượng nạp vào). Đồ uống có đường giới hạn không quá 235ml mỗi tuần.

Bài viết liên quan  Đột phá: Đã tìm ra cách biến đổi tế bào ung thư trở lại bình thường

Cũng theo PGS.TS.BS Trương Thị Tuyết Mai, việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên có thể dẫn tới nguy cơ tăng huyết áp lớn hơn 1,36 lần.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/y-te/ti-le-beo-phi-o-tre-em-tang-cao-nhieu-nguy-co-benh-tat-1425742.ldo