Tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”

Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát"
Tọa đàm "Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát"

Tập trung đưa ra các giải pháp để đa dạng hóa, tạo thêm các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới.

15h:

Nhà báo Trần Vương: Thưa ông Nguyễn Viết Chức, yếu tố văn hóa của địa phương có ảnh hưởng thế nào tới việc xóa nhà tạm, nhà dột nát?

– TS Nguyễn Viết Chức: Chúng ta chỉ còn khoảng 1 năm nữa với hơn 300 ngày để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo. Thời gian rất ngắn, nhưng công việc lại rất lớn, đòi hỏi chúng ta phải cố gắng rất nhiều.

Về vấn đề văn hóa, để thực hiện thì chúng ta cũng phải nghiên cứu, thiết kế một số mẫu nhà ở điển hình, bảo đảm yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả, phù hợp với văn hoá, phong tục, tập quán và đặc điểm của từng địa phương, vùng miền, địa phương điều chỉnh phù hợp. Xóa nhà tạm, nhà dột nát cũng như làm điều thiện. Còn khi làm điều thiện thì đừng mượn cái thiện để đánh bóng tên tuổi của mình.

Trong một thời gian ngắn, nếu không cố gắng, không nỗ lực sẽ làm giảm đi hiệu quả, ý nghĩa mà chúng ta đang làm. Bởi những ngôi nhà mang nhiều yếu tố văn hóa, tính dân tộc này có ý nghĩa rất lớn, thậm chí được lưu giữ cả nghìn năm. Thực chất những ngôi nhà được xây dựng mới, được sửa chữa thay thế nhà tạm, nhà dột nát nó là ngôi nhà tình nghĩa.

Khi thực hiện, 50-60 triệu đồng khó mà xây được nhà mới cho người nghèo. Để làm được thì cần thêm 2 chữ “tình nghĩa”, trong đó bà con xóm làng đến tham gia, làm không công để ai có công góp công, ai có của góp của. Do đó việc đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát là hoàn toàn chính xác. Phải trân trọng, quý trọng mọi nguồn lực, dù là nhỏ nhất để đoàn kết, chung tay xóa nhà dột nát cho người dân hiệu quả hơn.

Các khách mời cho rằng công khai, minh bạch là yếu tố hết sức quan trọng khi thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Hải Nguyễn

Chủ trương tốt thì cách làm cũng phải tốt. Trong đó, để thực sự phát huy giá trị thì cần vận dụng tốt bài học và phương châm chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi”. Quá trình thực hiện luôn phải gắn với hai từ trung thực. Cán bộ tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát mà không trung thực thì còn gọi gì là văn hóa.

Các chủ thể tham gia phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ, công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo kinh phí ủng hộ được chuyển trực tiếp đến tay người thụ hưởng.

14h52:

TS Nguyễn Minh Phong trao đổi thêm: Mạng xã hội là một xung lực lớn, để thực hiện hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cần phải xây dựng các trang mạng chuyên về vấn đề này. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái, có đầy đủ các tài khoản, địa chỉ rõ ràng, công nghệ an toàn, có địa chỉ để phân phối, huy động vốn, càng chi tiết càng tốt.

Cần công khai thông tin người cần hỗ trợ sửa, xây nhà. Qua đây, kết nối doanh nghiệp, đơn vị đóng góp, hỗ trợ, công khai thông tin để huy động nguồn từ thiện đến tay hộ dân.

Nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, cần huy động sức ảnh hưởng của người nổi tiếng trên mạng xã hội, qua đó thu hút sự quan tâm của người dân với chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tuy nhiên, một số chương trình kêu gọi của người nổi tiếng cũng gặp những hạn chế nhất định, cần sự phối hợp của cơ quan chức năng để triển khai hiệu quả, minh bạch kết quả đóng góp…

Có rất nhiều doanh nghiệp có kho vật liệu đủ sức xây nhà tạm, nhà dột nát trên toàn quốc, việc cần làm là xây dựng mạng lưới kết nối đội ngũ xung kích có kinh nghiệm, kết nối với chuyên gia, cơ quan chức năng quản lý để hướng đến mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát hiệu quả.

14h40:

Nhà báo Trần Vương: Thưa PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, làm thế nào để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở bền vững, đặc biệt đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát?

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Đây là một trong những vấn đề có tính nhân văn rất cao, đồng thời cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Như TS Nguyễn Minh Phong đã nói, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở bền vững. Trong đó có giải pháp là giảm số tiền chịu thuế của doanh nghiệp trong năm. Cơ quan thuế bao giờ cũng giảm trừ, luật thuế nhà nước cũng cho giảm trừ không tính thuế thu nhập.

Bài viết liên quan  Hình ảnh gây bão: Một công ty thưởng Tết 4400 công nhân mỗi người một cái tivi 40 inch

Chúng ta muốn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào nhiều hơn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, quan trọng nhất có lẽ là vấn đề công khai minh bạch và tạo niềm tin.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp muốn đến tận nơi để khảo sát tình hình, xây dựng nhà ở vì họ có suy nghĩ đồng tiền họ bỏ ra phải đúng đối tượng, đảm bảo chất lượng nhà ở, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp. Nếu đầu tư xây dựng không đúng đối tượng hoặc xây dựng chất lượng nhà ở không tốt, ồ ạt sẽ rất dễ xảy ra tình trạng người đáng được ở thì không được ở, làm xói mòn lòng tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tư nhân.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh trao đổi về giải pháp thu hút nguồn lực tư nhân trong xây dựng nhà ở bền vững. Ảnh: Hải Nguyễn

Chúng ta cũng phải xác định mức độ ưu tiên với tùy ngôi nhà. Những người đang có nhà xập xệ không thể ở được thì phải được ưu tiên xây dựng trước. Việc này được quy hoạch từng làng, xã, địa phương, để người dân được ở trong nhiều năm, tránh tình trạng đường một nẻo, nhà một nơi.

Chúng ta phải chia tiến độ thực hiện, cái nào cần làm ngay, cái nào cần để lâu hơn. Nếu như chính quyền địa phương không thống kê, cụ thể hóa số lượng căn nhà cần xây và tiến độ thực hiện thì khó có thể huy động nhà đầu tư tư nhân được.

Muốn nhà đầu tư tư nhân tham gia thì chúng ta phải xác định giúp đỡ họ cái gì? Giúp đỡ bao nhiêu. Rõ ràng, vai trò của địa phương rất quan trọng. Tối thiểu là quy hoạch làm đường đất, từ đó tạo điều kiện để các nhà đầu tư xây dựng nhà ở. Tránh ỷ lại.

Số lượng nhà dột nát hiện nay là rất lớn, nhưng bằng nỗ lực từ nhiều phía sẽ có thể giảm đáng kể tình trạng này. Việc kết nối từ địa phương đến trung ương, giữa doanh nghiệp và mạnh thường quân cũng rất quan trọng. Bản thân các thôn, bản, làng, xã phải chủ động thống kê, dự toán… Doanh nghiệp xây dựng có kế hoạch, có hỗ trợ của chính quyền địa phương và sự giúp đỡ của chính người dân. Sự kết hợp này sẽ khiến cho việc xây dựng nhà ở và sự đầu tư từ doanh nghiệp tư nhân nhiều hơn, doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền xây dựng không phải thu lợi nhuận cho họ mà là vì sự phát triển của địa phương.

14h25:

Nhà báo Trần Vương: Việc đa dạng hóa nguồn lực không chỉ gia tăng khả năng tài chính mà còn thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng, tạo ra những mô hình bền vững và hiệu quả trong việc xóa bỏ nhà tạm và nhà ở dột nát. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này thưa chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong?

– TS Nguyễn Minh Phong: Theo báo cáo mới đây, chúng ta đang có 1,7 triệu căn nhà đã được xóa và cần xóa khoảng 443.000 căn. Tổng mức kinh phí để xóa nhà tạm, nhà dột nát khoảng 6.500 tỉ đồng, hiện đã huy động được khoảng 6.000 tỉ đồng. Đứng trước khối lượng công việc lớn, để gia tăng nguồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát, nguyên tắc xã hội hóa là nguyên tắc số 1.

TS Nguyễn Minh Phong cho rằng để gia tăng nguồn lực xóa nhà tạm, nguyên tắc xã hội hóa là hàng đầu. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Thủ tướng đã nói “nguồn lực từ tư duy, động lực từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân”. Để xây nhà cũng cần nhiều yếu tố nguồn lực như đất, tài chính, đóng góp công sức, kinh nghiệm, ngân sách trung ương, 5% ngân sách tiết kiệm, địa phương có nguồn quỹ, doanh nghiệp lớn có truyền thống về thiện nguyện, nguồn vốn FDI, Việt kiều…

Hướng đến mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần phải có cơ chế tuyên truyền, công khai minh bạch, từ đó khơi gợi tinh thần “bầu ơi thương lấy bí cùng”, kết nối tình cảm cộng đồng mạnh mẽ.

Bài viết liên quan  Sau thanh tra, hơn 9.000 sổ đỏ ở Tuyên Quang bị thu hồi

Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không làm tự phát mà phải có quy hoạch, có định hướng cụ thể, phân cấp rõ ràng, có quy trình, có đánh giá, có tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.

Từ đó, thành lập các ban chỉ đạo xã hội hóa các nguồn lực, các cơ quan chức năng cũng nên có các tiêu chuẩn cụ thể về nhà xây mới, tránh tình trạng “đánh bùn sang ao”, xây dựng các chuẩn hóa quốc gia về xây dựng nhà ở như cứng nền, cứng tường, cứng mái…

Ngoài ra, để việc xóa nhà tạm, nhà dột nát được hiệu quả, cần phải nghiên cứu, chuẩn hóa nhà xây mới ở từng khu vực, chất lượng công trình. Khuyến khích thành lập những tài khoản điện tử công khai quy mô đóng góp, người đóng góp, tổ chức uy tín có thể mở tài khoản để nhận đóng góp cùng xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Nhà nước cũng nên có cơ chế khuyến khích, có thể khấu trừ thuế doanh nghiệp, khuyến khích nhân rộng một số dự án ở địa phương, nếu làm từ thiện nhiều có thể được cộng điểm, từ đó làm cơ sở đánh giá công tác xã hội hóa, đóng góp cho cộng đồng. Doanh nghiệp tham gia chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát nên được miễn trừ các loại thuế, được miễn giảm tối đa để các hoạt động này được nhân rộng, như vậy, nguồn vốn sẽ không thiếu, hỗ trợ các đối tượng có nhu cầu” – TS Nguyễn Minh Phong nói.

14h20:

Nhà báo Trần Vương: Thưa ông Nguyễn Viết Chức, ông đánh giá như thế nào về chương trình và những động thái mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua để thúc đẩy chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

TS Nguyễn Viết Chức: Đây là một vấn đề lớn, mang tính bản sắc văn hóa và cũng là bản chất của chế độ. Bởi bản sắc của văn hóa Việt Nam là “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” và cũng là truyền thống lâu đời của chúng ta. Ở nước ta, chuyện nhà ở là vô cùng quan trọng, vì nó là mái ấm gia đình, ai cũng phải có nhà, nếu không có nhà sẽ không thể an cư lạc nghiệp.

Rõ ràng đây là một cố gắng rất lớn của toàn Đảng, toàn dân ta trong nỗ lực xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong thời gian qua, vấn đề này đã được triển khai, xóa được nhiều nghìn ngôi nhà dột nát nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh khó khăn.

Thời gian tới, khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu thì người dân không thể sống trong những ngôi nhà dột nát. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao mức sống của người dân và đã đạt được những thành quả quan trọng.

TS Nguyễn Viết Chức khẳng định Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát. Ảnh: Hải Nguyễn

Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra quyết tâm để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 với chiến dịch 450 ngày đêm cao điểm cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Theo đó, trong năm 2025, chúng ta phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; Hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); Xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân.

Theo thống kê của các địa phương, ngoài 2 nhóm đối tượng đã được hỗ trợ theo ngân sách nhà nước và chương trình mục tiêu quốc gia, cả nước còn 153.881 căn nhà tạm, nhà dột nát của hộ nghèo, hộ cận nghèo với kinh phí tối thiểu để thực hiện là 6.500 tỉ đồng.

Để làm được điều này đòi một nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, khi ý Đảng hợp với lòng dân thì khó khăn mấy cũng phải vượt qua, khó đến mấy cũng làm thì chúng ta sẽ có một năm 2025 trọn vẹn.

Bài viết liên quan  Giá vàng hôm nay (10-12): Bất ngờ tăng mạnh

—————

14h ngày 27.12, Báo Lao Động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức tọa đàm “Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát”.

Trên cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Để có thêm nhiều nguồn lực và làm tốt công tác này, từ thực tế hiệu quả công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát thời gian qua, Tọa đàm tập trung đưa ra các giải pháp để đa dạng hóa, tạo thêm các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian tới.

Tham dự tọa đàm có các vị khách mời, chuyên gia:

– Đại biểu Quốc hội khóa XI, TS Nguyễn Viết Chức – Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa – Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

– Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong – nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế – Xã hội Hà Nội

– PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế, giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát – chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là chính sách an sinh xã hội quan trọng đang được cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện. Nhưng để thực hiện được mục tiêu xóa hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước vẫn còn có nhiều thách thức.

Với vai trò tiên phong, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình “Mái ấm cho đồng bào tôi” vào đầu tháng 10.2024, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã trao 150 tỉ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương trên cả nước.

Có thể thấy, thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngoài công việc sản xuất, kinh doanh thì đã tham gia rất tích cực vào công tác an sinh xã hội ở nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước.

Theo thống kê từ năm 2021 đến 2023, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã tích cực hỗ trợ xây dựng hơn 3.100 căn nhà đại đoàn kết và nhà cho người nghèo trên cả nước, với tổng kinh phí lên tới 160 tỉ đồng. Những căn nhà mới khang trang đã thay thế những căn nhà tạm bợ, mang lại sự “an cư” cho hàng nghìn hộ gia đình khó khăn.

Đây không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là biểu tượng của tình đoàn kết, sự quan tâm, sẻ chia của Tập đoàn với những mảnh đời còn nhiều khó khăn, góp phần giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo vươn lên cải thiện cuộc sống.

Tính đến tháng 9.2024, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã trao ủng hộ số kinh phí là 113,84 tỉ đồng để xây dựng 2.161 nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo ở nhiều địa phương (Cao Bằng, Gia Lai, Hà Nam, Hòa Bình, Hải Dương, Trà Vinh, Cà Mau, Yên Bái, Cần Thơ, Kiên Giang, Nghệ An, Lâm Đồng, Hậu Giang…).

Hoạt động này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh thiên tai, bão lũ vừa qua, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mất nhà, thiếu thốn nơi ở.

Được sự cho phép của Chính phủ, Petrovietnam đã phối hợp với chính quyền địa phương để tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, tỉnh Lào Cai – nơi bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại to lớn từ cơn bão số 3 lịch sử.

Chung tay xây dựng cuộc sống mới, bền vững hơn. Ảnh: Anh Huy

Sự chung tay của Petrovietnam không chỉ góp phần giúp bà con vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn tạo điều kiện cho họ xây dựng cuộc sống mới, bền vững hơn.

Với truyền thống văn hóa Petrovietnam, nghĩa tình của người đầu khí, tinh thần tương thân, tương ái, đồng cảm, sẻ chia với đồng bào cả nước, trong 2 năm 2024-2025, Tập đoàn và các đơn vị thành viên dành nguồn kinh phí an sinh xã hội là 138 tỉ đồng để tài trợ xây dựng 2.760 căn nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo.

Nguồn: https://amp.laodong.vn/xa-hoi/toa-dam-da-dang-hoa-nguon-luc-de-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-1441545.ldo